Tại sao nguyên tổng giám đốc DongA Bank bị bắt?

Sau khi điều tra xác định quỹ của DongA Bank không chỉ bị thiếu hụt hơn 2.000 tỉ đồng mà hơn 62.000 lượng vàng cũng “không cánh mà bay”, lý do nguyên Tổng giám đốc DongA Bank bị bắt dần sáng tỏ.

Liên quan đến vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), chiều 11.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chính thức tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank về 2 tội danh “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Trước đó, ngày 10.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Trần Phương Bình (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank) về 2 tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay. 3 bị can được xác định là đồng phạm trong vụ án này cũng bị khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc gồm: Nguyễn Đức Vinh (50 tuổi, nguyên Giám đốc ngân quỹ Hội sở, thuộc DongA Bank), Đỗ Thanh Hùng (38 tuổi, nguyên thủ quỹ Hội sở), Lê Kiên Giang (39 tuổi, nguyên phụ quỹ Hội sở), cả 3 bị can này bị khởi tố về tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Trần Phương Bình - ẢNH: ANH VŨ

2.000 tỉ đồng và 62.000 lượng vàng đi đâu?

Tháng 8.2015, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp nhận hồ sơ từ Ngân hàng Nhà nước để điều tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm của các lãnh đạo và cán bộ DongA Bank thời kỳ 2006 - 2015. Sau đó, Công an TP.HCM đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an để tiếp tục điều tra vụ án. Tiếp đến, C46 đã ra quyết định điều tra và khởi tố các bị can liên quan.

Tháng 8.2015, DongA Bank tiến hành kiểm tra quỹ của ngân hàng mới tá hỏa, phát hiện quỹ Hội sở và quỹ Sở giao dịch bị thiếu hụt hơn 2.000 tỉ đồng. Ngoài số tiền trên, còn có hơn 62.000 lượng vàng “không cánh mà bay”. Ông Bình đã chỉ đạo bà Vân và một số cá nhân khác ở Sở giao dịch DongA Bank lập khống và duyệt các bộ hồ sơ tín dụng nhằm lấp đầy các khoản thiếu hụt mà ông Bình đã đề nghị rút trái quy định trước đó.

Bán vàng để… trả nợ

Về số tiền trên, ông Bình thừa nhận dùng để kinh doanh bất động sản nhưng ngày càng thua lỗ. Năm 2007, Công ty T.T ký hợp đồng với Công ty E.L và Công ty H.L, DongA Bank đã bảo lãnh nhằm hợp tác đầu tư. Tổng trị giá hợp đồng này là 100 triệu USD. Nhưng đến năm 2008, dự án này đầu tư không hiệu quả nên Công ty E.L và H.L yêu cầu Công ty T.T trả lại 100 triệu USD. Sợ bị mất uy tín với các công ty cũng như uy tín của DongA Bank, nên ông Bình đã ra tay “cứu giúp”. Ông Bình nhờ người nhà của mình đứng ra vay tiền của DongA Bank để lấy tiền mua lại cổ phần, tài sản của Công ty T.T ở các công ty khác mà Công ty T.T đầu tư.

Do thân quen trước đó, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới của mình làm thủ tục cho Công ty T.T vay tiền của DongA Bank để công ty trả nợ cho Công ty E.L và H.L. Vì thế, DongA Bank bị thất thoát số tiền lớn nên ông Bình chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ bằng các khoản vay khống.

Lúc này, nợ nần chồng chất, quỹ của DongA Bank cạn kiệt, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất hơn 60.000 lượng vàng của khách hàng gửi tại DongA Bank mang đi bán, lấy tiền trả nợ các khoản vay và lãi trước đó.

Cơ quan điều tra nhận định, hành vi sai phạm của các nghi can nói trên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 165 BLHS và tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo điều 179 BLHS.

NHNN bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Trong thông báo phát đi ngày 11.12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, sau khi Cơ quan CSĐT (C46 - Bộ Công an) đã tiến hành các thủ tục khởi tố và bắt tạm giam một số cán bộ nguyên là lãnh đạo DongA Bank. NHNN cho biết từ tháng 8.2015, cơ quan này đã công bố kết luận thanh tra DongA Bank, chỉ ra ngân hàng này có nhiều vi phạm pháp luật, nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tình hình tài chính và kinh doanh. Ngoài ra, NHNN đã đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên HĐQT và chức danh Tổng giám đốc DongA Bank; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh phó tổng giám đốc.

NHNN cũng đã cử các cán bộ tiếp quản các vị trí chủ chốt để chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu, củng cố toàn diện tổ chức và hoạt động của DongA Bank. Đến nay, các chỉ tiêu tài chính của ngân hàng đã được cải thiện và có mức tăng trưởng khả quan. Từ tháng 1 - 11.2016, nguồn vốn huy động của DongA Bank liên tục tăng trưởng với mức tăng bình quân mỗi tháng là 1,5% (tương đương 1.000 tỉ đồng/tháng). Cuối tháng 11.2016, nguồn vốn huy động tăng trưởng hơn 5% so cuối năm 2015. Dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng trở lại từ tháng 8.2016 đến nay. Số lượng khách hàng DongA Bank đang phục vụ là hơn 7 triệu. Về công tác thu hồi xử lý nợ xấu, tính từ thời điểm 13.8.2015 (thời điểm kiểm soát đặc biệt) đến 30.11.2016, Đông Á đã xử lý và thu hồi được 3.655 tỉ đồng.

Anh Vũ - Thanh Xuân

Thanh Tuyền

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.