Tại sao nông dân chưa giàu?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để phát triển bền vững nông nghiệp, giúp nông dân tránh cảnh được mùa rớt giá, cần có sự liên kết giữa 6 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối

Sáng 9-4, tại Hải Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên đối thoại với 300 nông dân với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới". Đây là dịp để nông dân đề xuất, kiến nghị trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phải tính toán trước khi gieo hạt

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP 18%?... Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ cùng nhân dân phải tìm cách tháo gỡ mọi khó khăn để phát triển nền nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Là người đầu tiên được mời đặt câu hỏi, nông dân Tăng Xuân Trường (thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) nêu vấn đề: "Thủ tướng và các vị bộ trưởng chắc cũng đã nắm được tình trạng dư thừa, ế nông sản xảy ra ở nơi này, nơi kia. Có nơi, nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào hay thậm chí đốt bỏ cả mía vì giá quá rẻ mạt…". Theo ông Trường, đó là một thực tế rất đáng buồn đối với ngành nông nghiệp nước ta. Ông đặt ngay câu hỏi: "Tôi được biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 1.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là hướng đi rất đúng. Song xin hỏi Thủ tướng, việc liên kết, thành lập HTX chúng ta đã hô hào nhiều rồi và đến bao giờ mới thay đổi được?".

Cùng chung câu hỏi, nông dân Đoàn Xuân An (thôn Minh Phú, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) cho rằng nhiều năm qua, dù Chính phủ, bộ - ngành có nhiều nỗ lực giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản nhưng điệp khúc "được mùa rớt giá", "giải cứu nông sản" vẫn cứ diễn ra, người nông dân lao động vất vả, chẳng thu được bao nhiêu, nhiều khi chịu lỗ vốn, phải vay nặng lãi để trả nợ.

Trả lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chưa bao giờ nông nghiệp có được thành quả lớn như bây giờ, còn những việc như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua, chỉ là hiện tượng cục bộ, chúng ta phải tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý: "Trước khi gieo hạt, người nông dân cần phải tính "sản xuất bao nhiêu và bán cho ai" để việc tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao".

Theo Thủ tướng, để phát triển bền vững nông nghiệp, giúp nông dân tránh cảnh được mùa rớt giá thì cần sự phối hợp giữa 6 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối. Bên cạnh đó là xây dựng, quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương, chứ không phải làm ào ào như trước nay.

tai sao nong dan chua giau
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ nông dân tại buổi đối thoại Ảnh: Quang Hiếu

Giải bài toán vốn cho nông dân

Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân bày tỏ lo lắng về nạn hàng giả, kém chất lượng; vấn đề quản lý phân bón, cây, con giống và vật tư nông nghiệp... Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời, giải đáp từng nội dung cho nông dân.

Đặc biệt, một trong những vấn đề lớn được hầu hết nông dân quan tâm là việc vay vốn sản xuất nông nghiệp. Ông Tô Hiến Thành (xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) phản ánh hầu hết nông dân đều gặp khó về vốn. Để duy trì sản xuất, nông dân phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. "Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp được không? Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn?".

Được Thủ tướng chỉ định trả lời, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định Chính phủ luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Hiện tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế. Điều đó cho thấy sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Còn việc nông dân khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, ông Tú nói nguyên nhân xuất phát từ thực tiễn rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả hoặc sử dụng sai mục đích dẫn đến nợ xấu khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay.

Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về vốn, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và địa phương tạo điều kiện hơn nữa để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay; giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Chính phủ là phải đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ nét, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp và mở rộng thiết lập quan hệ đối tác với nông dân.

8 vấn đề cần tập trung tháo gỡ

Sau hơn 2 giờ rưỡi đối thoại với nông dân, Thủ tướng đưa ra 8 vấn đề cần tập trung tháo gỡ, trong đó có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm phải "giải cứu" như thời gian qua. "Chính phủ sẽ mở thêm các kênh để lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân, cho đất nước" - Thủ tướng đúc kết.

tai sao nong dan chua giau Tin mới nhất vụ 'kẹp tiền bôi trơn' ở Hải quan Đình Vũ

Về vụ "kẹp tiền bôi trơn" ở Hải quan Đình Vũ, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan báo cáo trước 9h hôm ...

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.