Tài xế công nghệ sẽ trở thành người làm công?

Theo lộ trình, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (dự thảo BLLĐ 2019) sẽ được trình Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua trong kì họp thứ 8 (tháng 10/2019). Trong đó, định nghĩa về hợp đồng lao động đã được các nhà làm luật giải thích theo nghĩa rộng hơn so với trước đây và có thể cho chúng ta một cách nhìn khác về chế độ làm việc của các tài xế công nghệ.
Tài xế công nghệ sẽ trở thành người làm công? - Ảnh 1.

Hiện nay các tài xế công nghệ đang được hưởng thù lao cụ thể dưới dạng tỷ lệ phần trăm số tiền thanh toán của khách hàng. (Ảnh minh họa: Thành Hoa).

Hợp đồng lao động hay hợp đồng đối tác?

Hầu hết các tài xế công nghệ đều đang làm việc dưới hình thức là đối tác độc lập cho các công ty dịch vụ công nghệ kết nối người dùng, một hình thức đang được ưu tiên áp dụng và bản thân các tài xế công nghệ cũng đang hiểu mình là đối tác. Dường như điều đó giúp họ có cảm giác được làm chủ công việc của mình hơn là mối quan hệ người làm công ăn lương.

Theo đó, nếu các tài xế công nghệ đáp ứng được các điều kiện “tuyển dụng” mà các công ty dịch vụ công nghệ đề ra, các bên sẽ tiến hành giao kết hợp đồng đối tác, trong đó, các tài xế công nghệ sẽ làm việc dưới tư cách là “Nhà cung cấp dịch vụ”, còn công ty dịch vụ công nghệ hoạt động dưới tư cách là “Đơn vị cung ứng hệ thống/ứng dụng kết nối nhà cung cấp dịch vụ và người dùng”.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào định nghĩa về hợp đồng lao động trong bản dự thảo BLLĐ 2019 ngày 11/8/2019, có thể chúng ta có một cách nhìn khác về mối quan hệ này.

Điều 14 về hợp đồng lao động ghi rằng:

“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về công việc phải làm, tiền lương, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Các thỏa thuận khác có nội dung thể hiện về công việc phải làm, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên được xác định là hợp đồng lao động [...]”.

Các nhà làm luật đã bổ sung quy định “Các thỏa thuận khác có nội dung thể hiện về công việc phải làm, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên được xác định là hợp đồng lao động” - một điểm mới đáng chú ý so với Bộ luật Lao động hiện hành được ban hành năm 2012 (BLLĐ 2012).

Để tìm hiểu rõ hơn nội dung này, chúng ta có thể xem thêm ở các bản dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũ hơn, ở đó cho rằng “Trường hợp các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về công việc phải làm, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động”(1).

Những yếu tố cho thấy đó là hợp đồng lao động

Như vậy, theo bản dự thảo, trường hợp các bên giao kết một hợp đồng hoặc một thỏa thuận không phải là hợp đồng lao động nhưng có thể hiện các yếu tố về: (i) công việc phải làm, (ii) tiền lương và (iii) sự quản lí, điều hành, giám sát của một bên đối với bên còn lại thì cũng được coi là hợp đồng lao động. Khi đó, hợp đồng đối tác giữa các công ty dịch vụ công nghệ và tài xế công nghệ dường như đang có dấu hiệu của một hợp đồng lao động.

Thứ nhất, xét về yếu tố công việc phải làm, các công ty dịch vụ công nghệ hiện đều có một quy chế hoạt động và các điều khoản sử dụng ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử riêng và bắt buộc áp dụng cho tất cả các tài xế công nghệ của họ. Theo đó, các tài xế công nghệ phải tuân thủ một quy trình tác nghiệp cụ thể như quy trình về nhận cuốc xe, quy trình vận chuyển khách hàng, quy trình giao nhận hàng hóa, thức ăn...

Ví dụ, đối với dịch vụ gọi xe trên ứng dụng, khi có một khách hàng đặt lệnh gọi xe, ứng dụng của công ty dịch vụ công nghệ sẽ tự động quét các tài xế trong bán kính gần nhất và gửi yêu cầu nhận cuốc xe cho một tài xế. Khi tài xế đã nhận cuốc xe, công việc phải làm của tài xế trong trường hợp này là thao tác đúng quy trình trên ứng dụng, thực hiện chuyên chở khách hàng, thu tiền của khách hàng.

Một cách rõ ràng, công việc phải làm của tài xế công nghệ đang được quy định theo từng dịch vụ cụ thể mà công ty dịch vụ công nghệ xây dựng trên ứng dụng của mình. Nếu các tài xế thực hiện không đúng các quy định về trình tự và cách thức thực hiện công việc này, họ sẽ phải chịu một số hình thức xử lí. 

Như vậy, bất kì khoản tiền nào được một bên trả cho bên còn lại nhằm mục đích thực hiện công việc theo thỏa thuận đều có thể được hiểu là tiền lương; bên cạnh đó, về mặt chủ thể, ở đây cần tồn tại hai mối quan hệ giữa bên trả tiền lương và bên nhận tiền lương. 

Thứ hai, xét về yếu tố tiền lương, khoản 1 điều 92 của dự thảo BLLĐ 2019 cũng đưa ra một định nghĩa về tiền lương theo nghĩa rộng hơn so với quy định tại BLLĐ 2012 như sau: “Tiền lương là tổng số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.

Quay lại với trường hợp tài xế công nghệ, hiện nay các tài xế công nghệ đang được hưởng thù lao tùy theo tính chất của công việc cụ thể dưới dạng tỷ lệ phần trăm số tiền thanh toán của khách hàng. Bên cạnh đó, các công ty dịch vụ công nghệ còn có chính sách thưởng cho các tài xế đạt được các điều kiện đề ra và việc thưởng này được quy đổi thành tiền.

Do đó, về mặt chủ thể, dường như công ty dịch vụ công nghệ không phải là bên trả tiền công cho các tài xế mà khách hàng mới là chủ thể trả tiền. Nhưng, nếu chúng ta xét ở các khoản tiền khác mà tài xế được nhận như tiền thưởng thì chủ thể trả tiền lại là công ty dịch vụ công nghệ mà không phải là khách hàng sử dụng dịch vụ. Tuy vậy, đối với trường hợp khách hàng trả tiền cho tài xế, một câu hỏi đặt ra ở đây, phải chăng các tài xế chỉ là bên thu hộ tiền sử dụng dịch vụ cho công ty dịch vụ công nghệ?

Tuy nhiên, dường như có phần miễn cưỡng khi cho rằng các công ty công nghệ không quản lí, điều hành đối với các tài xế bởi trên thực tế các tài xế công nghệ không thể chủ động nhận các cuốc xe, đơn hàng từ khách hàng mà thông qua hệ thống tự động quét các tài xế trong bán kính gần nhất và chỉ định một tài xế nhận cuốc xe, đơn hàng đó.

Thứ ba, xét về yếu tố sự quản lí, điều hành, giám sát của một bên, hiện nay các công ty dịch vụ công nghệ đều đang phủ nhận yếu tố quản lí, điều hành của mình đối với các tài xế công nghệ và cho rằng mình chỉ là đơn vị cung ứng nền tảng, hệ thống và ứng dụng kết nối giữa tài xế và khách hàng sử dụng dịch vụ.

Hơn nữa, khi thực hiện dịch vụ, các tài xế cũng không được quyền tự do thương lượng giá cả với khách hàng mà chỉ được thu đúng số tiền theo tính toán trên hệ thống của công ty dịch vụ công nghệ. Hay nói cách khác, phải chăng các công ty dịch vụ công nghệ đang “giao việc” cho tài xế thông qua ứng dụng mà họ xây dựng?

Riêng về yếu tố “giám sát”, đây cũng là một yếu tố mới được bản dự thảo thêm vào để mô tả đặc điểm của hợp đồng lao động so với BLLĐ 2012. Yếu tố này dường như thể hiện rõ hơn so với yếu tố về sự quản lí, điều hành trong mối quan hệ giữa công ty dịch vụ công nghệ và tài xế công nghệ.

Theo đó, các công ty dịch vụ công nghệ đang thực hiện giám sát các hành vi của tài xế một cách khá chặt chẽ, chủ yếu thông qua phần mềm kết nối mà họ xây dựng nhằm phát hiện ra các hành vi gian lận hoặc vi phạm của tài xế để có những hình thức xử lí nhất định. Thậm chí, có công ty dịch vụ công nghệ còn thể hiện rõ quyền giám sát của mình đối với tài xế trong quy chế hoạt động và các điều khoản sử dụng ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của mình.

Chưa biết các nhà làm luật sẽ nhận định ra sao về trường hợp các tài xế công nghệ sau khi bản dự thảo BLLĐ 2019 được chính thức thông qua, dù rõ ràng trường hợp này đang mang dấu hiệu của hợp đồng lao động như phân tích trên đây. Nếu các nhà làm luật ủng hộ quan điểm cho rằng đây là quan hệ lao động thì rất cần một hướng dẫn chính thức trong một nghị định hoặc thông tư về vấn đề này hay cũng có thể là trong án lệ nếu có tranh chấp trong tương lai.

Phán quyết của Tòa Tối cao Bang California đang dần thay đổi quan điểm về chế độ làm việc của các tài xế công nghệ trên thế giới

Vào tháng 4/2018, một phán quyết dài 82 trang đã được Tòa Tối cao của bang California, Hoa Kỳ ban hành(2) nhằm giữ nguyên phán quyết của Tòa Thượng thẩm Los Angeles theo hướng có lợi cho Charles Lee và Pedro Chevez (từng là tài xế cho dịch vụ giao nhận của Công ty Dynamex Operations West), cùng đứng đơn đại diện cho khoảng 1.800 tài xế khác trong vụ kiện tập thể chống lại Công ty Dynamex cho rằng Dynamex phải xem họ là người lao động thay vì đối tác độc lập.

Phán quyết này xuất phát từ định nghĩa về employ (thuê mướn lao động) và employer (người sử dụng lao động) trong Wage Order (lệnh về thù lao) mà tòa tối cao cho rằng phải được giải thích theo nghĩa rộng, tức là những người được cấp phép để làm việc đều được hiểu là người lao động, ngoại trừ một số trường hợp nghề nghiệp tự doanh như thợ điện, thợ sửa ống nước được xem là đối tác làm việc độc lập (Independent Contractor).

Điều đáng nói trong phán quyết nêu trên, Tòa Tối cao bang California đã đặt ra một quy tắc mới (tạm gọi là "ABC test") nhằm yêu cầu Dynamex xác định một tài xế là người lao động hay đối tác độc lập, mà sau đó đã được các nhà làm luật của bang này chính thức đưa vào một dự luật được biết dưới tên "AB5" vừa được công bố trong năm 2019, làm dấy lên một làn sóng phản đối kịch liệt của các công ty dịch vụ công nghệ đang hoạt động tại đây(3).

AB5 cho rằng, ngoại trừ một số trường hợp theo luật định, một người thực hiện một công việc hoặc dịch vụ vì mục đích nhận thù lao đều phải được xem là người lao động tại một đơn vị thuê mướn họ, trừ khi đơn vị thuê mướn đó đáp ứng được đầy đủ ba điều kiện sau: (i) Người đó không chịu sự điều hành và hướng dẫn của đơn vị thuê mướn liên quan đến các vấn đề về hiệu suất công việc, cho dù theo hợp đồng hay trên thực tế, (ii) Người đó thực hiện công việc ngoài phạm vi hoạt động và kinh doanh thường lệ của đơn vị thuê mướn và (iii) Người đó, theo thường lệ, tham gia vào các giao dịch thương mại, nghề nghiệp hoặc điều hành kinh doanh một cách độc lập liên quan đến công việc mà họ thực hiện.

Nếu dự luật AB5 được thông qua, nó sẽ có một tác động không nhỏ đến các công ty dịch vụ công nghệ hoạt động tại đây. Họ sẽ phải gánh chịu một nghĩa vụ tài chính khổng lồ về phúc lợi của người lao động theo luật định, khi phải chuyển các tài xế công nghệ từ đối tác độc lập thành người lao động, vì họ khó lòng chứng minh được đầy đủ ba điều kiện nêu trên.


chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.