Tấn công nhà báo: Giảm số lượng nhưng tăng hình thức cản trở

Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 12 vụ tấn công nhà báo trong quá trình tác nghiệp, giảm hơn nhiều so với con số 36 vụ năm 2016. Tuy nhiên, đã có một số biểu hiện mới trong việc tấn công, cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo.

Tại Phiên toàn thể Hội nghị thường niên Báo chí với phát triển bền vững vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng 29/11, ông Trần Quốc Hải, người tham gia cuộc nghiên cứu khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication) đã công bố cụ thể báo cáo thống kê số vụ việc cản trở nhà báo tác nghiệp tại Việt Nam từ tháng 1/2017 đến tháng 11/2017.

Theo đó, đã có 12 vụ việc được ghi nhận, thấp hơn so với tổng số 36 vụ năm 2016, nhưng lại gia tăng hình thức cản trở cứng như hành hung, phá hủy phương tiện, đe dọa an toàn thân thể… Đáng buồn là không ghi nhận vụ việc nào được xử lý theo Điều 7 Nghị định số 159/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

tan cong nha bao giam so luong nhung tang hinh thuc can tro

Hội nghị diễn ra sáng 29/11 tại Hà Nội.

Mặt khác, các cơ quan hành pháp của Việt Nam khi xử lý và ứng xử với hành vi cản trở tác nghiệp báo chí lại áp dụng những hình thức xử phạt không thống nhất. Ví dụ, chỉ có 1 vụ nhóm phóng viên VTV bị hành hung ở Sóc Sơn, Hà Nội, được cơ quan công an khởi tố vụ án theo Luật Hình sự với tội danh “cản trở người thi hành công vụ”, theo đó, kẻ vi phạm có thể bị đi tù. Trong khi các vụ việc tương tự như phóng viên Báo Công Lý bị đánh tại Lương Sơn, Hòa Bình không được khởi tố theo tình tiết phạm tội này.

“Điều này gây khó hiểu và thắc mắc cho các đồng nghiệp khác khi cùng làm nghề nhưng họ lại không được coi là “người thi hành công vụ” nếu bị cản trở, hành hung. Tiếp tục có sự tranh luận liệu nhà báo có phải “công chức” và khi đi tác nghiệp cũng đồng nghĩa với “thi hành công vụ”. Nếu xác định nhà báo là “công chức” thì mới có thể truy tố kẻ hành hung, tấn công nhà báo – “người thi hành công vụ””, ông Trần Quốc Hải phân tích.

Cũng theo ông Trần Quốc Hải, đã có một số hình thức mới là tấn công tâm lý, gây nhiễu thông tin trên mạng xã hội, gài bẫy để vu khống các nhà báo có nhiều bài điều tra hành vi tiêu cực, phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương.

Một ví dụ điển hình được nêu ra là trường hợp của nhà báo Hải Châu của báo điện tử Infonet: Tối 25/8, đối tượng lạ mặt ném bọc nilon chứa dầu luyn bẩn vào cửa nhà của nhà báo Hải Châu. Ngày 27/8, điện thoại của nhà báo Hải Châu nhận được tin nhắn từ số máy lạ đe dọa gia đình anh. Tối 29/8, 2 nam thanh niên bịt mặt đi xe máy cầm bao tải nhựa nhét vào cửa một nhà hàng xóm của nhà báo rồi chạy mất. Chủ nhà gọi điện thoại báo công an phường đến kiểm tra thì thấy trong bao tải có khoảng 2kg rắn còn sống.

Một điểm đáng chú ý khác trong nghiên cứu của RED Communication lần này là không còn nhiều vụ né tránh cung cấp thông tin cho báo chí. Vì Luật Báo chí mới đã ghi rõ rằng khi chưa có thẻ nhà báo thì chỉ cần xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan báo chí là phóng viên cũng có thể tác nghiệp.

Tuy nhiên, trong năm qua đã ghi nhận 2 vụ việc tại Sở TT&TT Ninh Bình và Sở TT&TT Quảng Trị đã phổ biến cho đơn vị cơ sở quy định không tiếp, không cung cấp thông tin cho người không có thẻ nhà báo. Điều này cho thấy chính những người làm quản lý báo chí ở địa phương cũng chưa hiểu Luật Báo chí.

Liên quan tới câu chuyện hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp, mở rộng phạm vi ra tầm quốc tế, trao đổi với Infonet, bà Widyasari Anisa, Đại diện Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA) cho biết, hầu hết các vụ tấn công nhà báo trên thế giới đều chưa bị xử lý. Nổi bật như vụ thảm sát 32 nhà báo ở Philippines, hoặc vụ 1 nhà báo ở Indonesia bị giết hại khi viết về vấn đề môi trường… vẫn chưa xác định được hung thủ và chưa thể đưa ra xử lý. Vụ việc bị xử lý ở mức cao nhất mà bà ghi nhận được là 1 cảnh sát huyện ở Indonesia bị xử phạt 3 tháng tù vì tội hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.