CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với doanh thu thuần tăng 110% so với cùng kỳ, tương đương đạt 181 tỷ đồng.
Ngược chiều doanh thu thuần, doanh thu tài chính quý này của doanh nghiệp giảm 96% còn 47,8 triệu đồng. Ngoài ra, các chi phí trong quý cùng không chênh lệch so với cùng kỳ.
Kết quả, sau khi trừ đi các chi phí, giá vốn, Tân Tạo (ITA) báo lãi sau thuế tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, đạt 78,2 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 323 tỷ đồng, giảm 29%, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 141,7 tỷ đồng và 144,9 tỷ đồng, tương đương giảm 28% và 5% so với cùng kỳ.
Năm nay, Tân Tạo đặt mục tiêu kinh doanh với lợi nhuận trước thuế hơn 257 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý đầu năm, Tân Tạo đã thực hiện được 55% kế hoạch.
Xét về dòng tiền của doanh nghiệp, báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Tân Tạo dương 10,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 207,8 tỷ đồng, nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 34 tỷ đồng và hoạt động tài chính dương 5,2 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30/9, tổng tài sản của Tân Tạo đạt 12.188 tỷ đồng, giảm 33 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Thay đổi lớn trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp đến từ việc giảm 2.090 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn (do giảm 2.000 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn khác), còn gần 1.500 tỷ đồng và tăng 2.501 tỷ đồng các khoản thu dài hạn (do tăng khoản phải thu dài hạn khác).
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, trong kỳ, công ty đã phát sinh một số các khoản phải thu gồm 1.253 tỷ đồng từ CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (đây là khoản thu hồi đầu tư); phải thu 647,9 tỷ đồng từ CTCP Đại học Tân Tạo; phải thu 421,7 tỷ đồng từ CTCP Năng Lượng Tân Tạo 2; phải thu 183,8 tỷ đồng từ CTCP Năng Lượng Tân Tạo,...
Nói thêm về khoản thu 1.253 tỷ đồng khoản phải thu hồi đầu tư từ CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo, trước đó, hồi đầu tháng 2 năm nay, Tân Tạo đã công bố thông tin về việc thoái toàn bộ số vốn, tương đương 1.753 tỷ đồng mà công ty đã góp tại CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) vào ngày 30/12/2022.
Về nguyên nhân thoái vốn, Tân Tạo (ITA) cho biết, theo quyết định hồi tháng 3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, dự án Kiên Lương 1 bị loại bỏ không nằm trong danh mục các dự án nguồn điện vận hành vào giai đoạn 2016 - 2030.
Tại văn bản hồi tháng 6/2016 của Tổng cục năng lượng cũng cho biết, vì dự án Kiên Lương 1 không có trong danh sách các dự án sẽ vận hành trước năm 2030 nên Tổng cục Năng lượng không có cơ sở để tiếp tục triển khai.
Do đó, Tân Tạo và TEDC không có cơ sở triển khai dự án. Theo Tân Tạo (ITA) đây là trường hợp bất khả kháng buộc công ty phải thoái toàn bộ vốn góp để giảm bớt thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Theo như ghi nhận ở trên, tính tới thời điểm cuối quý III, Tân Tạo chưa hoàn tất thu hồi khoản tiền đầu tư nói trên.
Về danh mục hàng tồn kho, cuối quý III, Tân Tạo ghi nhận 3.637 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 76 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu tập trung tại các dự án như Khu E-City Tân Đức (2.528 tỷ đồng), khu công nghiệp Tân Tạo (472 tỷ đồng); khu công nghiệp Tân Đức (365,2 tỷ đồng); chung cư Tân Đức (157,5 tỷ đồng),..
Ngoài ra, công ty còn có 3.196 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn tại một số dự án như Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương (2.221 tỷ đồng); đất phát triển khu công nghiệp (468,4 tỷ đồng),...
Về phần nguồn vốn, tính tới ngày 30/9, tổng nợ phải trả của Tân Tạo đạt mức 1.977 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm, do giảm 31% khoản người mua trả tiền trước, còn 288,8 tỷ đồng.
Trong đó, chiếm 31% tổng các khoản vay của Tân Tạo là 608,2 tỷ đồng các khoản phải trả ngắn hạn khác.