Tặng hộp quà rỗng cho học sinh: Tại sao phòng giáo dục nói dối lại không bị phạt?

TS Vũ Thu Hương cho rằng, từ hộp quà rỗng đó, trẻ thiếu niềm tin với người lớn, với xã hội. Tại sao con sai thì bị phạt mà người lớn cũng sai lại không bị phạt?

Không nên tổ chức tuyên dương đại trà để tránh bệnh hình thức

Câu chuyện "học sinh tiêu biểu được tặng hộp quà rỗng" tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) những ngày qua đã có nhiều ý kiến đa chiều về việc có nên hay không tổ chức các cuộc tuyên dương, khen thưởng cho học sinh cuối năm học.

Tặng hộp quà rỗng cho học sinh: Tại sao phòng giáo dục nói dối lại không bị phạt? - Ảnh 1.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội). Ảnh tư liệu: Đình Tuệ.

Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện của một vài học sinh bị nhận quà rỗng mà cần nhìn nhận một cách khách quan hơn. 

Bà Hương dẫn chứng, khi Bộ GD&ĐT đưa ra Thông tư 22 trong đó có hướng dẫn cách đánh giá để không có bệnh thành tích, tức là đã tuyên chiến với bệnh thành tích thì không nên có bất cứ một buổi tự tuyên dương hay tôn vinh nào. 

"Lễ tôn vinh chỉ nên tổ chức khi học sinh có một thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc sự đóng góp gì đó cho xã hội. Ví dụ, trẻ nghĩ ra phương án để tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường... thì rất cần vì khích lệ các em nghĩ đến người khác và làm cho xã hội tốt lên. 

Còn việc học hành đó là những hoạt động gần như là trách nhiệm của các em thì hoàn toàn không nên có lễ tôn vinh, bởi phần lớn các em làm tốt và hoàn thành công việc đó. Tại sao lại tôn vinh vài đứa trẻ? Rõ ràng, các trường phải lấy danh sách thông qua đánh giá học sinh giỏi, xuất sắc hoặc các kì thi... Đấy là biểu hiện thành tích rõ ràng, lại còn tổ chức lễ tôn vinh là sao?", TS Thu Hương nêu quan điểm. 

Cũng theo vị nữ tiến sĩ, ở nhiều nước trên thế giới từ lâu đã không tổ chức các buổi lễ tôn vinh, tuyên dương như của ta vừa qua. Họ chỉ tôn vinh đối với những em cứu một người chết đuối, hay một đứa trẻ nhìn thấy một ngọn lửa đang cháy và báo cho mọi người và đã tránh được nguy cơ hỏa hoạn cho cả một dãy nhà chẳng hạn...

Việc tổ chức nhiều lễ tuyên dương là biểu hiện rõ của bệnh thành tích. Những đứa trẻ thông minh thì được điểm cao, em nào kém thông minh hơn thì được điểm thấp. Có những em không giỏi về học hành nhưng lại có năng khiếu về thể thao thì ai tuyên dương? 

Mỗi người đều có những khả năng, năng khiếu của riêng mình. Chúng ta không nên đề cao bất kể năng khiếu nào so với khả năng khác. Điều này sẽ tạo ra áp lực cho các em vì lúc nào cũng phải học. Có những bác nông dân chăm cày cấy làm ra lúa gạo cho xã hội, hay những bác lao công góp phần làm cho môi trường thêm sạch đẹp... thì tại sao lại không tôn vinh họ? 

Nếu chúng ta nặng về việc tuyên dương học sinh giỏi sẽ khiến phụ huynh có suy nghĩ, con mình phải học giỏi, học đại học thì mới 'mát mày mát mặt'. Còn những ngành nghề lao động tay chân lại bị coi là rẻ mạt, dưới đáy xã hội? Sẽ có nhiều vị cứ chăm chăm bắt con học thôi mà không cho làm việc nhà vì để còn được tuyên dương học sinh giỏi. Lễ tôn vinh thế này vô tình đã tạo ra nhiều hệ lụy phía sau. 

Đã phát thưởng thì phải làm cho đàng hoàng

Tặng hộp quà rỗng cho học sinh: Tại sao phòng giáo dục nói dối lại không bị phạt? - Ảnh 2.

Hộp quà rỗng mà một số học sinh tiêu biểu ở quận Cầu Giấy được phát thưởng. Ảnh: PHCC.

TS Vũ Thu Hương cũng cho hay, một khi đã tổ chức tuyên dương phát thưởng thì phải tổ chức cho đàng hoàng, ít nhất để cho trẻ con học hỏi. Việc tuyên dương như thế sẽ khiến trẻ nghĩ rằng, ai học giỏi thì được lên sân khấu nhận một tờ giấy màu vô tri vô giác. Trẻ sẽ nghĩ người lớn nói dối. 

"Trong một cái hộp rất hoành tráng chắc có một hiện vật gì đó thể hiện đó là phần thưởng. Nếu là một tờ giấy màu trống trơn thì không thể gọi là phần thưởng được. Hoặc nếu là tờ giấy thì phải in chữ đại ý là, chúc mừng con đã đạt thành tích gì đó. 

Người lớn lại nói là phần thưởng đã được chuyển về cho bố mẹ rồi chứ không phải phát cho các em thì sẽ khiến trẻ càng thấy sự giả dối ở đây. Mọi người càng thanh minh thì càng lộ ra sự giả dối. 

Tính một cách đơn giản, mỗi một hộp quà đó cũng có giá trị từ 5.000 đồng trở lên. Với số tiền đó thì dư sức mua một quyển vở. Đó là thứ còn có giá trị để trẻ có thể viết được ở năm học sau. 

Từ hộp quà rỗng đó, trẻ thiếu niềm tin với người lớn, với xã hội. Tại sao con sai thì bị phạt mà người lớn cũng sai lại không bị phạt? Con nói dối bị phạt, tại sao Phòng Giáo dục nói dối lại không bị phạt? Những câu hỏi này sẽ rất khó trả lời trẻ", vị nữ giảng viên phân tích. 

Phòng GD&ĐT Cầu Giấy xin lỗi phụ huynh, học sinh

Theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT Cầu Giấy cho biết, ngày 21/5, Phòng đã tổ chức khen thưởng cho hơn 300 học sinh bậc tiểu học và THCS tiêu biểu có thành tích xuất sắc của quận trong năm học 2018 - 2019.

Phòng GD&ĐT có trao thưởng tượng trưng trên sân khấu cho các em học sinh tiêu biểu. Tiền thưởng của học sinh, Phòng đã gửi về cho các trường để trao tặng các em trước buổi lễ nhằm tránh việc học sinh đánh mất tiền thưởng.

Tuy nhiên, một số trường chưa kịp gửi tiền thưởng đến học sinh và chưa thông tin lại tới phụ huynh nên mới dẫn đến sự bức xúc cho một số bậc phụ huynh về cách thức trao thưởng của ngành GD&ĐT quận Cầu Giấy.

"Thay mặt lãnh đạo Phòng Giáo dục Cầu Giấy, tôi xin gửi tới các bậc phụ huynh, các em học sinh lời xin lỗi chân thành và mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Với chúng tôi, đây là bài học cần rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức các chương trình...", ông Phạm Ngọc Anh nói.

 

 




chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.