Tăng mức phạt trong đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS từ 300 triệu lên đến một tỷ đồng

Theo Bộ Xây dựng, việc tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ 300 triệu lên đến một tỷ đồng sẽ phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo tờ trình và nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng.

Theo nội dung tờ trình Chính phủ, ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Sau gần 4 năm thực hiện, việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định của nghị định này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên nghị định cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Do đó việc thay thế nghị định này là cần thiết, phù hợp với pháp luật và thực tế.

Tăng mức phạt trong đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS từ 300 triệu lên đến một tỷ đồng - Ảnh 1.

Chủ đầu tư huy động vốn trái phép, bàn giao nhà khi chưa hoàn thành nghiệm thu có thể bị xử phạt tới 800 triệu đồng. (Ảnh: Hạ Vũ).

Theo Bộ Xây dựng, tên gọi của nghị định thay thế là "Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng". 

Dự thảo nghị định gồm 89 Điều, chia thành 7 chương, nội dung chủ yếu bao gồm: quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả...

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo nghị định là việc tăng mức tiền phạt trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản từ 300 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng, cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Cụ thể, theo điểm d, khoản 11, Điều 15 của dự thảo nghị định: phạt tiền từ 950 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với xây dựng công trình phải lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 (không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt, vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng), đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mà tái phạm.

Mức phạt lên tới 1 tỷ đồng trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng và chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, tại chương V của dự thảo nghị định, một số hành vi vi phạm trong kinh doanh bất động sản cũng được tăng mức phạt tiền lên đến 800.000.000 đồng. 

Cụ thể là các hành vi: Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định; 

Bàn giao nhà, công trình cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, chưa hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài (đối với trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô) hoặc chưa hoàn thành nghiệm thu đưa công trình nhà ở, công trình hạ tầng xã hội vào sử dụng hoặc chưa hoàn thành việc chuyển giao, khai thác dự án theo quy định của pháp luật;

Đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực;

Huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.