Sáng nay (15/1), tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức Hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021".
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM đã nêu ra hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2021. Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo Kịch bản 1 và 6,46% trong Kịch bản 2.
Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong Kịch bản 1 và tăng 5,06% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng đạt 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD.
Theo ông Dương, mặc dù so với các nước châu Á, Việt Nam vẫn còn tăng trưởng nhanh hơn nhưng mức suy giảm (chủ yếu ở quý I và II/2020) rất nhanh và đó là dấu hiệu đáng lo ngại.
”Lãi suất thấp, nhưng chưa đủ kích thích cả tiêu dùng và sản xuất. Sản xuất công nghiệp phục hồi, nhưng mới chỉ tiến đến gần mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19; còn khu vực dịch vụ suy giảm mạnh nhất mà chiều hướng phục hồi vẫn chưa rõ ràng”, ông Nguyễn Anh Dương cho biết.
Trong năm 2021, các chuyên gia CIEM đưa ra một số rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam bao gồm khả năng tiếp cận vắc-xin, rủi ro phục hồi kinh tế không đều ở các thị trường đối tác, sự gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại,...
Bên cạnh đó, việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối giữa các biện pháp này ở cấp độ toàn cầu có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu.
Ngoài ra, kinh tế Việt Nam cũng có thể chịu ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước.
Đồng thời, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư – kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn, và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước.
Cuối cùng, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhưng Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, ...
Với các nhận định trên, các chuyên gia của CIEM nhấn mạnh lại thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh "bình thường mới".
Khuyến nghị chính sách, ông Nguyễn Anh Dương đề nghị tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 và có biện pháp phòng chống phù hợp. Trong đó, cải cách kinh tế hậu Covid-19 phải là một phần quan trọng của kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế.
“Tái cơ cấu kinh tế cần tiến hành đồng thời với hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài", ông Dương nhấn mạnh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.