Tăng vốn, kéo dài thời gian cải tạo kênh dài nhất TP HCM

Tổng vốn thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên tăng 830 tỷ đồng thành hơn 9.000 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2026.

Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vừa được HĐND TP HCM thông qua tại kỳ họp chuyên đề sáng 14/11. Dự án này điều chỉnh ba phần gồm quy mô dự án, tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện.

Theo UBND TP HCM, lý do tăng tổng mức đầu tư là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng có thay đổi. Dự án cũng phải thực hiện di dời 7 trụ điện cao thế, nâng cấp hai tuyến đường dây 500kV đạt cao trình đúng quy định, di dời, tái lập các hạng mục công trình thuộc khu chôn lấp rác Gò Cát. Quy mô sử dụng đất cũng tăng thêm gần 3.600 m2.

Kênh Tham Lương - Bến Cát, đoạn chảy qua quận Bình Tân, tháng 6/2024. (Ảnh: Gia Minh).

Chi phí xây dựng của dự án cũng gia tăng do đầu tư bổ sung các hạng mục đường giao thông, hệ thống lấy nước phòng cháy chữa cháy, 39 cửa xả, cửa van ngăn triều, cống. Bên cạnh đó, chi phí quản lý dự án tăng theo tỷ lệ chi phí xây dựng, thiết bị.

Thời gian thực hiện dự án thay đổi, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2026 thay vì 2025 như kế hoạch trước đây.

Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là kênh dài nhất TP HCM với hơn 32 km đi qua 7 quận, huyện gồm: quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh.

Dự án sẽ thoát nước, chống ngập cho các địa phương đi qua; hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối TP HCM đi các tỉnh miền Tây qua cửa ngõ Long An; đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai (không đi qua trung tâm thành phố) nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa; góp phần chỉnh trang cho khu vực và giải quyết ô nhiễm.

Hướng tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. (Đồ hoạ: Khánh Hoàng).

Công trình được HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 4/2021 với tổng vốn 8.200 tỷ đồng, trong đó sử dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn trung ương, còn lại là vốn đối ứng từ thành phố. Dự án đã được khởi công vào cuối năm 2022 và đang được triển khai tất cả 10 gói thầu.

Trước đó, HĐND TP HCM cũng cho phép tăng vốn từ 9.600 tỷ đồng lên hơn 17.200 tỷ đối với dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (dài 9 km, đi qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp) do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng gấp đôi do áp dụng quy định mới của Luật Đất đai.

Tương tự, dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi (dài hơn 4,3 km, thuộc địa bàn quận 8) tăng vốn từ hơn 4.900 tỷ đồng lên hơn 7.400 tỷ đồng, phần tăng chủ yếu dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng do áp dụng giá mới theo quy định của Luật Đất đai.

chọn
Bất động sản tháng 11/2024: Dự án của Novaland và DIG đón tin mừng, đất Sóc Sơn bị thổi giá 30 tỷ/m2
Trong tháng 11, nhiều KCN trên cả nước được duyệt đầu tư, các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng, Sun Group muốn làm hai khu đô thị hơn 28.000 tỷ ở Bắc Ninh, phiên đấu giá đất của huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) có khách hàng trả giá cao bất thường...