Tọa lạc ngay trên khu đất vàng tại góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng, quận 1 bên cạnh sông Sài Gòn, dự án Saigon One Tower từng được kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng mới của Sài Gòn với độ cao 41 tầng.
Saigon One Tower có tên gọi cũ là Cao ốc Sài Gòn M&C, được khởi công xây dựng vào quý IV/2008 với tổng mức đầu tư 256 triệu USD, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng, trên khu đất có diện tích 6.672 m2.
Tại thời điểm khởi công, dự án được dự báo sẽ trở thành tòa nhà cao thứ ba Sài Gòn, chỉ sau Bitexco Financial Tower (68 tầng) và The One (55 tầng), trước khi Landmark 81 của Vingroup xuất hiện vào năm 2019.
Tuy nhiên vào cuối năm 2011, khi tiến độ dự án đã được khoảng 80% thì bất ngờ ngừng thi công do các nhà đầu tư không còn khả năng tài chính để xây tiếp. Trong 10 năm kể từ khi ngừng thi công, dự án từng được kỳ vọng dần hoang hoá và trở thành toà "xác khô" giữa lòng thành phố Sài Gòn.
Chủ đầu tư ban đầu của Saigon One Tower là CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C, sau này đổi tên thành CTCP Sài Gòn One Tower. Đây là liên doanh giữa CTCP M&C - Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - Công ty TNHH Đất Thủ đô, được thành lập vào ngày 31/3/2004 để tập trung nguồn lực thực hiện dự án Cao ốc Sài Gòn M&C.
Song đến năm 2012, Đất Thủ đô không còn nắm giữ vốn, thay vào đó là nhóm cổ đông gồm Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) gồm DongA Bank, Công ty TNHH Chứng khoán DongA Bank, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Đến năm 2015, Saigontourist và PNJ lần lượt thoái sạch vốn tại công ty Sài Gòn M&C, từ đó rút lui khỏi dự án Saigon One Tower.
Năm 2017, sau một thời gian dài "đắp chiếu", dự án Saigon One Tower được thế chấp cho khoản vay tín dụng hơn 7.000 tỷ đồng tại Maritime Bank và DongA Bank, trở thành khoản nợ xấu thuộc một vụ án hình sự. Cùng năm, dự án bị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ để xử lý và thu hồi nợ của CTCP Sài Gòn One Tower.
Các mặt của toà cao ốc đã hoang hoá sau 10 năm trì trệ. (Ảnh: Minh Hiền).
Sau khi bị VAMC thu hồi, đầu tháng 3/2018, dự án Saigon One Tower được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Song tại thời điểm đó, không có nhà đầu tư nào mặn mà với dự án mang nhiều tai tiếng trên. VAMC sau đó đã phải bàn giao lại tài sản cho phía ngân hàng xử lý, toà nhà dở dang tiếp tục "đắp chiếu" giữa lòng Sài Gòn.
Mãi đến tháng 11 năm ngoái, trên thị trường lần đầu xuất hiện thông tin tái sinh dự án Saigon One Tower khi một doanh nghiệp có tên CTCP Di sản Quốc tế Hồ Tràm đăng ký với UBND TP HCM xin đầu tư dự án.
Tuy nhiên doanh nghiệp này khi đó chỉ mới tròn một năm tuổi và có vốn điều lệ đăng ký là 300 triệu đồng hồi mới thành lập vào tháng 11/2019, song đến cuối năm này, vốn thực góp của các cổ đông chỉ là 10 triệu đồng.
Theo Luật Đất đai yêu cầu chủ đầu tư có vốn sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha. Như vậy doanh nghiệp nêu trên chưa đủ điều kiện để được giao đầu tư dự án.
Bên cạnh yếu tố về vốn, các cổ đông sáng lập của Di sản Quốc tế Hồ Tràm cũng có nhiều điểm đáng lưu ý.
Công ty có ba cổ đông sáng lập, trong đó ông Nguyễn Quốc Long nắm 50% cổ phần, giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Hai người còn lại là ông Lê Nguyên Thành nắm 30% cổ phần và ông Lê Quang Ngọc nắm 20% cổ phần.
Ông Long và ông Thành còn là thành viên sáng lập CTCP Quốc tế Hồ Tràm.
Hai doanh nghiệp nêu trên đã từng bị Bộ Công an và các cơ quan truyền thông Nhà nước điểm tên khi cảnh báo về các hoạt động mang dấu hiệu lừa đảo thông qua việc lập các hồ sơ, đơn thư xin tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tìm kiếm, khai thác "kho báu"... có giá trị đến hàng nghìn tỷ đồng rồi chiếm đoạt tài sản, thông tin từ Báo Công an Nhân dân.
Kết quả, phận "chìm nổi" của dự án triệu USD Saigon One Tower vẫn chưa đến hồi kết.
Gần nhất vào ngày 12/9 năm nay, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị về việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản "nợ xấu" là bất động sản (BĐS) để phục vụ công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và đưa dẫn chứng trường hợp của Saigon One Tower.
Theo HoREA, vướng mắc của dự án nằm ở quy định thời hạn sử dụng đất theo Luật đất đai năm 2013 chưa sát thực tiễn. Cụ thể, thời hạn sử dụng đất của dự án là 50 năm, kể từ khi có quyết định giao đất, cho thuê đất vào năm 2008, do đó khi được VAMC đấu giá, thời gian sử dụng đất còn lại của dự án chỉ còn 39 năm khiến giá trị dự án bị giảm đi và kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Thời gian gần đây, trên website của một đơn vị bất động sản là CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land (tên cũ là Cirius Power) xuất hiện hình ảnh phối cảnh mới của dự án Saigon One Tower trong tên gọi mới là IFC One, Saigon. Doanh nghiệp trên nhận là đơn vị phát triển, quản lý toà cao ốc này.
Viva Land được thành lập vào tháng 5/2019 với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Vốn điều lệ công ty là 2.000 tỷ đồng. Tổng Giám đốc là bà Nguyễn Thị Kim Khánh, đồng thời cũng là người đại diện pháp luật.
Về cơ cấu cổ đông Viva Land, bà Nguyễn Thị Kim Khánh hiện nắm tỷ lệ lớn nhất với 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (sở hữu 25%) và bà Dương Thị Hạnh (sở hữu 20%).
Mặt khác, bà Khánh còn đứng tên cho một công ty khác cũng thành lập vào tháng 5/2019 là CTCP Đại Chấn Hưng, kiêm chức vụ Tổng Giám đốc và nắm 65% cổ phần. Vốn điều lệ của Đại Chấn Hưng là 350 tỷ đồng, chuyên về xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, theo giới thiệu của Viva Land, Chủ tịch HĐQT hiện nay của công ty là ông Chen Lian Pang, người từng giữ vị trí tổng giám đốc tại Tập đoàn bất động sản CapitaLand Việt Nam.
Một điểm khác đáng lưu ý, cổ đông lớn khác của Viva Land - bà Nguyễn Thị Ngọc Mai còn đang nắm 35% vốn tại một doanh nghiệp tên CTCP Hoa Phú Thịnh.
Hoa Phú Thịnh cùng hai doanh nghiệp là CTCP Hoàng Phú Vương và CTCP Osaka Garden gây chú ý trên thị trường hồi đầu tháng 8 vừa qua nhờ thương vụ huy động thành công ba lô trái phiếu với tổng trị giá 11.200 tỷ đồng (gần nửa tỷ USD).
Mục đích nhằm nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An do CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư. Đây cũng là một dự án từng trải qua gần hai thập kỷ trì trệ và mới chính thức được khởi công vào tháng 3 đầu năm nay.
Về phía SDI Corp, sự kiện thay Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp công bố hồi tháng 7 có bóng dáng của một đơn vị mới nổi trên thị trường là Masterise Group. Cụ thể, bà Mai Thị Kim Oanh, Trưởng Ban kiểm soát của Masterise Group đã trở thành tân chủ tịch của SDI.
Theo ghi nhận của người viết tại dự án, công trường có dấu hiệu hoạt động trở lại khi xuất hiện nhiều công nhân, bảo vệ đến làm việc.
Xuất hiện một số nhóm công nhân, bảo vệ ra vào dự án gần đây. (Ảnh: Minh Hiền).
Trong một số nhóm về bất động sản trên Facebook, khi những thông tin về Saigon One Tower bước đầu khởi động trở lại được chia sẻ, nhiều người dân tỏ ra rất vui mừng và mong chờ diện mạo mới của dự án này.