Tết Thanh minh từ lâu đã luôn là một trong những ngày lễ quan trọng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam.
Vào ngày lễ này, các gia đình Việt sẽ tất bật chuẩn bị và sắm lễ cúng Tết Thanh minh để thể hiện tưởng nhớ và đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của ông bà tổ tiên.
Tùy vào nền văn hóa của mỗi vùng miền và phong tục tập quán của mỗi gia đình mà việc chuẩn bị mâm cúng Tết Thanh minh sẽ được thay đổi khác nhau.
Để biết được Tết Thanh minh cần sắm lễ gì và ngày Tết Thanh minh thắp hương những gì, hãy cùng tham khảo những thông tin chi tiết sau đây:
Theo phong tục từ xưa đến nay, cứ sau tháng Giêng là người dân Việt Nam sẽ bắt đầu chuẩn bị cho việc đắp mộ cho những người quá cố và sắm lễ cúng Tết Thanh minh để đi tảo mộ ông bà tổ tiên trước ngày Tết Thanh minh một ngày.
Một số lễ vật cần có trong mâm cúng Tết Thanh minh khi đi tảo mộ gồm có:
- Hương nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, giấy ngũ sắc, quần áo giấy
- Rượu trắng, nước sạch để cúng
- Bánh kẹo, hoa quả tươi
- Trầu cau
- Một bộ tam sinh, trong các đại lễ ngày xưa thường là ba con vật: bò, heo, dê.
Tuy nhiên, bộ tam sinh vẫn có thể thay đổi tùy theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình để làm lễ. Một số vùng miền thường chuẩn bị bộ tam sinh bao gồm một miếng thịt heo, một con tôm và một quả trứng.
- Mâm cơm chay hoặc mặn để dâng lên từng phần mộ
Trong đó, mâm cúng Tết Thanh minh chay thường bao gồm xôi chè, oản chuối, bỏng và chén mật ong. Đối với mâm cúng lễ mặn sẽ có các món ăn như xôi, gà luộc, chân giò luộc hoặc khoanh giò nạc.
Ngoài việc, chuẩn bị và sắm lễ cúng Tết Thanh minh, bạn cũng cần lưu ý những điều sau khi đi tảo mộ để mọi việc được hanh thông thuận lợi.
- Trước khi bày trí mâm cúng, cần dọn dẹp, vệ sinh và sửa sang các ngôi mộ cho sạch sẽ, đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, sau đó mới đặt lễ vật cúng Tết Thanh minh.
- Sau khi cúng xong, đợi hương cháy khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Bài cúng nếu được viết ra giấy thì đọc xong cũng đem hóa.
- Khi đi tảo mộ, chú ý đi lại nhẹ nhàng, cẩn thận, không nên làm lộn xộn và xới vun đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan xung quanh.
- Không nên giẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác.
- Nếu có trẻ nhỏ, nên chú ý trông chừng các bé cẩn thận.
Ngoài tục lệ tảo mộ vào ngày Tết Thanh minh, người Việt Nam còn có tục lệ chuẩn bị các vật lễ để thắp hương cho mâm cúng tại nhà.
Theo đó, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau làm bánh trôi, bánh chay thắp hương, sau đó cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức hương vị đậm đà của món bánh này.
Thông thường, mâm cúng Tết Thanh minh không yêu cầu lễ vật cầu kỳ. Đối với mâm cúng mặn, bạn có thể chuẩn bị một số món ăn như xôi, gà luộc, canh măng, các món xào,…
Dưới đây là các lễ vật cần chuẩn bị để thắp hương cho mâm cúng Tết Thanh minh tại nhà:
- Xôi chè
- Oản chuối
- Bánh kẹo, trái cây, hoa tươi
- Trầu cau
- Gạo, muối, bỏng
- Giấy tiền, vàng mã
- Nước, rượu
- Một mâm cơm cúng mặn hoặc chay tùy theo phong tục và sở thích của gia chủ
Trong trường hợp gia đình bạn không nấu cỗ cúng Tết Thanh minh, bạn có thể thắp hương với trái cây tươi, trà, một ít bánh, kẹo để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.
Tương tự như cách chuẩn bị nghi thức cúng bái khi đi tảo mộ, bạn cũng cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng và lau sạch bàn thờ gia tiên trước khi cúng Tết Thanh Minh tại nhà.
Sau khi chuẩn bị xong mâm lễ cúng Tết Thanh minh, gia đình bắt đầu bày trí lên bàn thờ. Người cúng cần chuẩn bị trang phục lịch sự, sạch sẽ, chỉnh tề rồi lên hương, sau đó vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn. Khi một tuần hương cháy hết thì gia đình có thể hóa vàng và xin thụ hưởng lộc.ết