Thách thức của sàn thương mại điện tử mĩ phẩm Indonesia khi vào Việt Nam

Social Bella, một sàn thương mại điện tử mĩ phẩm ra đời từ năm 2015 tại Indonesia, đánh dấu lần đầu bước ra thị trường quốc tế bằng việc triển khai kinh doanh tại Việt Nam. Chi nhánh của Social Bella tại Việt Nam ra đời từ đầu tháng 7, với ngành nghề đăng kí chính là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mĩ phẩm và vật phẩm vệ sinh.

Startup thương mại điện tử đến từ Indonesia

Social Bella, một công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp của Indonesia, vừa gia nhập thị trường Việt Nam. Theo thông tin từ Cổng đăng kí doanh nghiệp quốc gia, chi nhánh của Social Bella tại Việt Nam ra đời từ đầu tháng 7, với ngành nghề đăng kí chính là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mĩ phẩm và vật phẩm vệ sinh.

Ở Indonesia, Social Bella đang điều hành sàn thương mại điện tử chuyên về các sản phẩm làm đẹp Sociolla. Sàn hỗ trợ phiên bản tiếng Việt. Ngoài ra, Social Bella mới mở thêm một sàn thương mại điện tử khác trong mảng mẹ và bé là Lilla, và các phương tiện truyền thông trực tuyến về làm đẹp và phong cách sống.

Việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam cũng đánh dấu lần đầu tiên từ khi ra mắt vào năm 2015, Social Bella tiến ra thị trường ngoài Indonesia.

Startup thương mại điện tử Indonesia tấn công thị trường Việt - Ảnh 1.

Đội nhóm sáng lập Social Bella. (Ảnh: Social Bella).

"Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với Indonesia. Chúng tôi cho rằng đây là một thị trường phù hợp cho kế hoạch mở rộng phát triển của công ty", đồng sáng lập Christopher Madiam cho biết trong một thông cáo.

ESQA, một hãng mĩ phẩm thuần chay của Indonesia là một ví dụ tiêu biểu khi bắt đầu nhắm tới thị trường Việt Nam thông qua Social Bella.

Theo báo cáo từ Cosmetics Design Asia, thị trường chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc bản thân của Việt Nam đang phục hồi tốt bất chấp tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, chi tiêu sản phẩm làm đẹp qua kênh online tại Việt Nam đã tăng mạnh.

Bước đầu của Social Bella tại Việt Nam

Sau khi vào thị trường Việt Nam, Social Bella đang liên tục đăng tin tuyển dụng cho các vị trí thu ngân, nhân viên bán mĩ phẩm, nhân viên tư vấn làm đẹp, và cả các lập trình viên công nghệ thông tin. Dẫu vậy, công ty vẫn chưa phát triển fanpage chính thức với tên gọi Social Bella Việt Nam.

Người đại diện pháp luật của Social Bella Việt Nam là ông Nguyễn Thuận Đạt. Vốn điều lệ của công ty là 5,8 tỉ đồng. Đây không phải là một mức vốn điều lệ lớn nếu so với các công ty khác đang cạnh tranh cùng phân khúc. 

Hiện tại, thị trường thương mại điện tử đa ngành tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung tương đối chật chội. Việc chen chân vào gần như là bất khả thi. Chính vì vậy, thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện của những sàn thương mại điện tử chuyên ngành, độc đáo (đông y, vải...).

Social Bella đang kinh doanh thương mại điện tử trong lĩnh vực làm đẹp, mẹ và bé. Tại Việt Nam, những đối thủ lớn như Hasaki hay Thế Giới SkinFood, Kidsplaza hiện đang có từ vài trăm nghìn đến cả triệu lượt truy cập web mỗi tháng, theo báo cáo từ iPrice.

Những đối thủ của Social Bella đã triển khai các phương thức truyền thông khác trên nền tảng mạng xã hội, từ YouTube, Instagram cho tới Facebook. Trong khi đó, Social Bella, sẽ phải xây dựng lại hệ sinh thái từ đầu, giống như cách họ đã làm ở quê nhà Indonesia.

Startup thương mại điện tử Indonesia tấn công thị trường Việt - Ảnh 2.

Sàn thương mại điện tử Sociolla hiện đã hỗ trợ tiếng Việt. (Ảnh: TechInAsia).

Lựa chọn chiến lược phù hợp về giá cũng là điều Social Bella cần quan tâm. Thông thường, các sàn thương mại điện tử sẽ cạnh tranh nhau bằng chính sách giá. Tuy nhiên, chiến lược ấy có thể không phát huy hiệu quả với lĩnh vực làm đẹp.

Báo cáo của YouNetMedia cho thấy, hiện tại người tiêu dùng mĩ phẩm Việt Nam đang quan tâm tới vấn đề về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhiều hơn so với mức giá đối với việc mua sản phẩm làm đẹp online.

Các chính sách giảm giá, khuyến mại về kích cầu thậm chí còn gây ra tác dụng ngược, khiến khách hàng thắc mắc về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là ở các sản phẩm trên internet.

Hiện tại, vốn điều lệ của Social Bella là 5,8 tỉ đồng, rất nhỏ so với 110 triệu USD là tổng số vốn mà startup Indonesia huy động trong 5 năm hoạt động vừa qua. Có lẽ Social Bella chưa thật sự dám đặt cược lớn tại thị trường Việt Nam. Vì thế, thời gian sẽ trả lời xem liệu một sàn thương mại điện tử trong một lĩnh vực cụ thể từ Indonesia liệu có thể phát triển tại thị trường Việt Nam hay không.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.