Đối với trẻ em, Trung thu là một cái Tết đặc biệt, thậm chí còn quan trọng hơn cả những ngày Tết Nguyên đán. Nếu như mọi năm, các bé được gia đình đưa đi trung tâm thương mại, đi công viên, đi xem phim, đi ăn uống,... vào dịp này thì năm nay, các em phải ngồi trong nhà tránh dịch đón Trung thu. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng mong ngóng đến ngày Trung thu để “phá cổ, rước đèn” và nhận được những chiếc bánh thơm ngon. Vậy nên, hãy biến Trung thu này trở thành dịp khó quên với trẻ bằng cách trang trí Trung thu tại nhà cho bé 2021 qua những gợi ý sau.
Những chiếc đèn ông sao, đèn lồng màu sắc chính là món đồ chơi vô cùng quen thuộc của các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu hàng năm. Với kích thước đa dạng, màu sắc sặc sỡ và lấp lánh, những chiếc đèn ông sao, đèn lồng có thể được tận dụng để trang trí trên tường, cửa sổ, trên tủ tivi, kệ sách, cầu thang,... hoặc treo lên giúp làm căn phòng trở nên lung linh trong dịp Trung thu này.
Chú ý, khi treo đèn trên trần nhà bằng cách giăng dây, các bạn nên cho dây chùng xuống, không nên treo căng vì sẽ làm khung cảnh mất tự nhiên. Ngoài ra, bạn có thể trang trí thêm đèn nháy để căn phòng vào buổi tối Trung thu lung linh hơn.
Nếu không có sẵn đèn ông sao, đèn lồng trong nhà để trang trí hoặc không thể đặt mua các vật dụng này trong thời điểm dịch bệnh, bạn có thể thử cách tự làm qua hướng dẫn dưới đây:
- Làm đèn ông sao: Đầu tiên, bạn chuẩn bị 10 thanh tre vót dẹt, dài khoảng 50cm, 5 thanh tre dẹt dài 8cm, hồ dán, giấy kiếng màu, kéo, kìm và dây kẽm mỏng. Tiếp theo, bạn nối 10 thanh tre dài thành hình ông sao 5 cánh, cố định các đầu nối bằng dây kẽm. Sau đó, bạn chồng 2 hình ngôi sao rồi tiếp tục cố định 5 đầu nhọn của 2 ngôi bằng dây kẽm, dùng đoạn tre ngắn chống vào các điểm giao nhau tạo thành hình ngũ giác ở giữa 2 ngôi sao để tạo khung sườn hoàn chỉnh cho lồng đèn. Cuối cùng, bạn cắt và dán giấy kiếng lên phần cánh tam giác của lồng đèn và thực hiện lần lượt các khung cho đến khi hoàn chỉnh.
- Làm đèn lồng bằng giấy: Đầu tiên, bạn gấp đôi tờ giấy theo chiều dọc và chiều ngang để lấy trung điểm mỗi cạnh. Sau đó, dùng bút thước để đo và nối các đỉnh lại với nhau tạo thành hình kim cương. Từ vị trí điểm đầu tiên, bạn đo các khoảng lần lượt là 2,3cm, 5,4cm, 8,3cm và từ các điểm đó kẻ đoạn thẳng lên, xoay ngược tờ giấy và thực hiện các thao tác tương tự. Sau đó, bạn dùng kéo cắt hình kim cương cùng các đoạn nhỏ ra, rồi gấp đôi hình lại và nối chúng bằng phần đầu của những đường kẻ đã cắt. Cuối cùng, bạn cho ống tròn được cắt từ tờ giấy cứng vào giữa để cố định hình dáng lồng đèn.
Ngày Tết Trung thu thường gợi lên các hình ảnh như chú Cuội, chị Hằng, trăng tròn, các em nhỏ rước đèn, cây đa,... Do đó, bạn có thể sử dụng hình cắt dán tự vẽ hoặc in tương ứng để trang trí cho tường nhà vào ngày Trung thu. Cách trang trí này sẽ giúp căn nhà có không khí Trung thu và làm các bé trở nên hào hứng hơn. Ngoài những hình dán, bong bóng kèm theo các lá cờ nhiều màu sắc cũng tạo ra hiệu ứng tương tự.
Tuy rằng việc mua giấy màu, keo dán, giấy decal hay bong bóng có thể đặt mua trên các trang thương mại điện tử hay mua trực tiếp từ cửa hàng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc mua sắm hiện khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, gia đình có thể tận dụng đồ có sẵn trong nhà như giấy vở, bút màu của con, cơm, keo hai mặt,... để tự làm các hình dán, đồ handmade để tăng không khí cho ngày lễ.
Bên cạnh những vật trên, các món đồ chơi không thể thiếu dành cho bé trong ngày Trung thu như trống bỏi, mặt nạ và đầu lân cũng có thể được tận dụng để trang trí và hưởng ứng Trung thu tại gia. Theo đó, những chiếc mặt nạ hình dạng của các nhân vật trong truyện cổ tích và văn học dân gian Việt Nam như ông Địa, chú Tễu, chú Cuội, chị Hằng, Chí Phèo, Thị Nở,... có thể được trang trí trên tường hay khung cửa sổ để tạo ra một không gian đậm chất truyền thống. Ngoài ra, mỗi hình dạng mặt nạ sẽ mang một câu chuyện cổ tích khác nhau, bạn có thể thông qua đó để kể cho các bé nghe trong đêm Trung thu năm nay.
Tiếp theo là trống bỏi, một món đồ chơi với âm thanh “cắc tùng cắc tùng” vui tươi mà không kém phần quen thuộc mỗi đêm rằm tháng 8. Sự xuất hiện của vật dụng đặc trưng này trong không gian nhà ở không chỉ mang lại sự sinh động, vui tai mà còn giúp việc trang trí cho đêm Trung thu thêm hoàn thiện và ấn tượng. Đừng quên trang bị thêm một vài chiếc trống bỏi để bé cầm tay và cùng các thành viên trong gia đình “rước đèn tại gia” trong đêm Trung thu năm nay.
Cuối cùng, một trong những “biểu tượng” không còn xa lạ với người Việt trong các mùa lễ hội, nhất là vào đêm Trung thu, là đầu lân. Mọi năm, các bé hẳn là rất thích thú khi được xem các màn múa lân đặc sắc trong đêm hội trăng rằm. Song, với tình hình dịch bệnh như hiện tại, các màn trình diễn sẽ không thể diễn ra. Tuy vậy, bạn vẫn có thể để hình ảnh chú lân đỏ “xuất hiện” trong nhà của mình qua vật trang trí mô phỏng đầu lân có kích thước nhỏ hơn, dùng để trang trí ở những vị trí chính yếu, giúp làm nổi bật không gian Trung thu tại nhà trong thời điểm đặc biệt này.