Thanh Hoá duyệt đồ án quy hoạch một vùng huyện giáp Lào rộng 58.500 ha

Quy hoạch vùng huyện Lang Chánh đến năm 2045 có diện tích 58.563 ha; với hàng loạt dự án cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, các khu du lịch sinh thái, trung tâm văn hoá, di tích lịch sử,...

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Lang Chánh đến năm 2045. 

Ranh giới lập quy hoạch xây dựng vùng huyện bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Lang Chánh với 10 đơn vị hành chính cấp xã (9 xã và một thị trấn).

Phía bắc giáp huyện Bá Thước. Phía nam giáp huyện Thường Xuân. Phía đông giáp huyện Ngọc Lặc. Phía tây giáp huyện Quan Sơn và huyện Sầm Tớ (tỉnh Hủa Phăn - nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).

Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 58.562,81 ha (585,63 km²). Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 1.362 ha (chiếm 2,32% tổng diện tích tự nhiên); đến năm 2045 khoảng 1.500 ha (chiếm 2,56% tổng diện tích tự nhiên).

Về phát triển không gian vùng, huyện sẽ phát triển theo tuyến với Quốc lộ 15A là hành lang kinh tế chiến lược của tỉnh, nối các huyện đồng bằng với các huyện miền núi phía Tây, nối Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc và qua QL 217 thông thương với nước bạn Lào.

Quốc lộ 16 nối các huyện miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An, là trục chính phát triển cho các xã phía Tây huyện.

Tuyến đường tỉnh 530 là trục chính Đông - Tây huyện, kết nối thị trấn Lang Chánh với các xã phía Tây, kết nối Quốc lộ 15 với Quốc lộ 16 và thông qua của khẩu Méng, thông thương kinh tế, xã hội với nước bạn Lào.

Tuyến đường tỉnh 530B kết nối với tuyến Sông Lò - Nam Động (đường tỉnh 530C) và Quốc lộ 15C đi Mường Lát. Như vậy sẽ hình thành tuyến đường ngắn nhất nối các huyện đồng bằng với các huyện miền núi phía Tây tỉnh. Khi hình thành, đây sẽ là trục tạo động lực, mở ra hướng phát triển quan trọng cho huyện Lang Chánh. 

 Huyện Lang Chánh. (Ảnh: Truyền hình Thanh Hoá).

Các điểm đô thị, là hạt nhân phát triển kinh tế xã hội tiểu vùng gồm: Thị trấn Lang Chánh là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện; đô thị Ngàm (xã Yên Thắng) là đô thị động lực, trung tâm tiểu vùng liên xã phía Tây huyện và đầu mối giao thông quan trọng; đô thị Poọng (xã Giao Thiện) là đô thị động lực, trung tâm tiểu vùng phía nam, đầu mối giao thông kết nối với Quốc lộ 47 và đô thị Ngọc Lặc.

Về tổ chức hệ thống đô thị, đến năm 2025 tỉnh dự kiến ổn định các đô thị hiện nay, đầu tư hạ tầng thị trấn Lang Chánh và khu vực mở rộng (xã Quang Hiến cũ).

Sau năm 2025, thành lập thị trấn Ngàm. Sau năm 2030 đến 2045 tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực đô thị Ngàm; đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực đô thị Poọng và hướng tới thành lập thị trấn Poọng.

Quy hoạch loạt dự án 

Đến năm 2045, huyện Lang Chánh được quy hoạch hai Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CCN – TTCN) là CCN Bãi Bùi quy mô 75 ha và CCN Lý Ải 20 ha. Ngoài ra, tỉnh dự kiên bố trí 15 ha đất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại khu vực xã Yên Thắng.

Về trung tâm thương mại, sẽ xây dựng tại 3 khu vực. Cụ thể là Đô thị trung tâm thị trấn Lang Chánh - xây dựng hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng dịch vụ.... là trung tâm thương mại của huyện.

Đô thị Ngàm gồm siêu thị, trung tâm thương mại dịch vụ, dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics… là trung tâm đầu mối giao thương quan trọng khu vực phía tây của huyện.

Bổ sung quy hoạch trung tâm thương mại tại đô thị Poọng (xã Giao Thiện) có siêu thị, trung tâm thương mại dịch vụ,… là trung tâm đầu mối giao thương quan trọng khu vực phía nam của huyện. -

Tương lại huyện có 5 chợ bao gồm: 1 chợ hạng II (chợ huyện – thị trấn Lang Chánh) và 4 chợ hạng III: chợ Ngàm – xã Yên Thắng; chợ Yên Khương; chợ Giao Thiện; chợ Lý Ải (xã Đồng Lương). Ngoài ra còn có một chợ phiên tại cửa khẩu Méng (xã Yên Khương).

Về phát triển du lịch, tỉnh định hướng khai thác quần thể núi Chí Linh gắn với khởi nghĩa Lam Sơn và các điểm du lịch như đền Tến Búa (xã Giao Thiện); Chùa Mèo và Lễ hội chùa Mèo; tour trải nghiệm danh lam - thắng cảnh: Khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - Thác Ma Hao (xã Trí Nang) - thác Hón Lối (xã Giao Thiện), thác Hón Oi (thị trấn Lang Chánh); ruộng bậc thang Ngàm Pốc (xã Yên Thắng). Đồng thời, phát triển du lịch trải nghiệm dọc sông Âm như du lịch sinh thái vãn cảnh, chèo thuyền kayak ngắm cảnh thiên nhiên.

Phát triển các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng của tỉnh như: Suối Cá Thần Cẩm Lương (Cẩm Thuỷ) – KBT thiên nhiên Pù Luông; Son – Bá –Mười (Bá Thước); - KBT thiên nhiên Pù Hu; quần thể hang Lũng Mu (Quan Hoá) – Chùa Mèo; Quần thể di tích lịch sử núi Chí Linh; Thác Ma Hao (Lang Chánh).

Ngoài ra, định hướng đến năm 2030 toàn huyện có hai cụm Trung tâm Văn Hóa – TDTT cấp khu vực.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.