Dân trí Theo nhiều chuyên gia, việc thành lập thành phố phía Đông của TP HCM sẽ trở thành động lực mạnh, thúc đẩy tăng trưởng cho cả thị trường BĐS TP HCM nói chung và thành phố mới nói riêng.
Mới đây, Sở Nội vụ TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021.
Theo phương án này, Sở Nội vụ đề xuất bổ sung việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP HCM (tạm gọi là thành phố phía đông).
Theo phương án này, thành phố mới sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị sáng tạo. Điều này nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học, khu công nghệ cao,..
Với việc lập thành phố phía đông, TP HCM kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP và vùng Đông Nam bộ.
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&B DKRA Việt Nam nhìn nhận, việc thành lập một thành phố phía Đông của TP HCM (thành phố trong thành phố) sẽ trở thành một động lực mạnh, thúc đẩy tăng trưởng cho cả thị trường BĐS TP HCM nói chung và 3 quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) nói riêng.
Theo ông Hoàng, tác động rõ nét nhất của việc thành lập thành phố phía Đông là việc đầu tư quy hoạch, hạ tầng giao thông – xã hội, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính,… sẽ có nhiều thay đổi để tạo điều kiện thuận tiện và tích cực hơn cho cư dân và doanh nghiệp tại thành phố phía Đông này.
Từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực này lên một tầm cao mới, vượt hẳn so với mặt bằng chung của toàn TP HCM và xứng tầm vị trí thành phố quốc tế.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước cũng tăng cường đầu tư lớn hơn, từ đó tác động đến mức giá bất động sản tại khu vực này (vốn 5 năm qua luôn là khu vực dẫn dắt thị trường bất động sản TP HCM)”, ông Hoàng nhận định.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của DKRA, trong giai đoạn xây dựng thành phố phía Đông không thể loại trừ khả năng một số cá nhân hoặc chủ đầu tư lợi dụng thông tin để tăng giá bất động sản dù mức đầu tư không tương xứng với mức giá, góp phần tạo nên những tác động tiêu cực đến mặt bằng giá bất động sản chung của cả khu vực.
“Chúng ta cần xem xét vấn đề này và phải có những động thái để sẵn sàng đối phó, ổn định thị trường”, ông Hoàng khẳng định.
Có cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM đồng tình, khi xây dựng thành phố phía Đông, dựa trên diện tích của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sẽ có những tác động đến thị trường BĐS khu vực này.
Theo ông Châu, về mặt lợi ích, thành phố phía Đông sẽ trở thành một đầu tàu kinh tế mới, tạo động lực cho nền kinh tế TP HCM cũng như thị trường BĐS tăng trưởng.
Cũng theo ông Châu, theo đề xuất của Sở Nội vụ TP HCM, thành phố phía Đông sẽ được xây dựng theo mô hình khu đô thị sáng tạo, vì vậy, phân khúc BĐS nhà ở, căn hộ, văn phòng cao cấp đang có rất nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.
“Với chiến lược xây dựng khu đô thị sáng tạo, trước mắt thành phố phía Đông sẽ thu hút một lượng lớn cư dân là những nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn nước ngoài có mức thu nhập rất cao. Chính vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp này, chắc chắn BĐS cao cấp, trong đó bao gồm nhà ở, căn hộ, trung tâm thương mại và văn phòng làm việc sẽ phải được ưu tiên”, ông Châu nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch của HoREA cho rằng, nếu dựa vào dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, thành phố phía Đông sau khi thành lập sẽ có khoảng 1 triệu người, tương đương với dân số Đà Nẵng.
Vì vậy, bên cạnh phát triển BĐS cao cấp, thành phố phía Đông sẽ còn phải giải quyết nhu cầu nhà ở cho 1 triệu người dân bản địa.
“Dù sao đi nữa, tầng lớp có thu nhập cao cũng chiếm tỉ lệ nhỏ trong quy mô dân số, cho nên cần phải tập trung vào phân khúc tầm trung và giá rẻ, hợp túi tiền, thậm chí phải xây thêm nhà ở xã hội để mọi người dân có thể an cư, lập nghiệp trên thành phố mới”, ông Châu nói.