Cống trình xây dựng không phép "sừng sững" trên núi Cái Hạ, đâm xuyên vùng lõi di sản Tràng An |
Công trình vi phạm trắng trợn, chính quyền địa phương biết mà “bó tay”
Từ giữa năm 2017, tại vùng lõi di sản Tràng An thuộc xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình, Công ty Cổ phần du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc đã tự ý xây dựng một công trình gồm: cổng, đường lên núi Huyền Vũ (núi Cái Hạ) với tổng chiều dài hơn 2.000 bậc thang. Để xây dựng công trình “khủng” này, hàng trăm cột bê tông đã được khoan, dựng trên đá tai mèo, hệ thống lan can, được lắp đặt với chiều dài toàn bộ con đường lên xuống là hơn 1 km.
Sự xuất hiện của công trình trên khiến dư luận vô cùng bức xúc bởi đã xâm phạm nghiêm trọng vùng lõi di sản Tràng An - quần thể danh thắng đã được UNESCO công nhận là “Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam”.
Khó hiểu ở chỗ, ngay khi công trình này rục rịch được thực hiện, Ban quản lý danh thắng Tràng An đã tuần tra phát hiện và lập biên bản. Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình sau đó đã có văn bản gửi UBND huyện Hoa Lư đề nghị địa phương này có chỉ đạo yêu cầu dừng thi công, thu dọn các nguyên vật liệu tập kết để trả lại nguyên trạng di tích.
UBND huyện Hoa Lư cho biết đã chỉ đạo UBND xã Trường Yên thực hiện việc này. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12-2017, UBND xã Trường Yên đã có 5 văn bản gửi đến Công ty CP Du lịch Tràng An đề nghị dừng thi công, thu gom nguyên vật liệu, trả lại nguyên trạng mặt bằng cho Di sản Tràng An. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đơn vị này vẫn không chấp hành và ngoan cố thi công (?!).
Đáng ngạc nhiên hơn khi chính quyền địa phương “bó tay” trước việc công trình xây dựng này vẫn được xây một cách công khai và hoàn thành bề thế. Thậm chí, ngay khi hoàn tất, công trình này lập tức được đưa vào khai thác du lịch và thu hút đông đảo khách du lịch trong dịp Tết Mậu Thân vừa qua. Lượng khách đổ về tham quan đông công trình này đông đến mức có thời điểm bãi đỗ xe nơi đây rơi vào tình trạng quá tải.
Trước phản ánh của báo chí và sự bức xúc của dư luận, Bộ VHTT&DL đã vào cuộc. Ngày 5-3-2018, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất xuống làm việc với Sở Du lịch và Sở VH-TT Ninh Bình. Kết quả, công trình trên chính thức được Thanh tra Bộ, Cục Di sản xác định là không có hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng.
Không chỉ xây dựng trái phép, Công ty Cổ phần du lịch Tràng An còn tự ý phát hành vé thu phí của khách với mức 45.000 đồng/vé khi chưa được phép của cơ quan thẩm quyền |
Bịa ra “Tràng An cổ” và “di vật cổ”
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL khẳng định, việc Công ty CP Du lịch Tràng An tự ý xây dựng công trình trái phép nêu trên đã vi phạm hết sức nghiêm trọng điều 13 của Luật Di sản. Căn cứ theo Nghị định 158, điều 13 của Luật Di sản, mức xử phạt vi phạm này từ 30 – 80 triệu đồng.
Cũng theo ông Phạm Xuân Phúc, căn cứ vào các quy định pháp luật, Bộ VH-TT&DL yêu cầu Sở Du lịch Ninh bình phải khẩn trương báo cáo UBND tỉnh; Sở VH-TT Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư có biện pháp và chỉ đạo khẩn trương tháo dỡ hiện trạng công trình, bởi đó công trình đã xâm phạm vùng lõi của di sản thế giới.
“Khi xây dựng thì công trình đã ảnh hưởng đến khu di sản, với các tác động như di chuyển vật liệu, chặt cây… Do đó việc tháo dỡ cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng” – ông Phạm Xuân Phúc cho biết thêm.
Cũng theo đại diện Bộ VHTT&DL, qua kiểm tra việc Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng công trình trái phép tại vùng lõi Di sản Tràng An, đoàn thanh tra Bộ VH-TT&DL còn phát hiện công ty này đã sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ hướng dẫn viên; sử dụng phương tiện thuyền, đò để chở khách du lịch tham quan nhưng đội ngũ lái đò chưa được tập huấn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của khách du lịch.
Không chỉ có vậy, Công ty CP Du lịch Tràng An còn mắc phải sai phạm khi tự ý phát hành vé thu phí của khách với mức 45.000 đồng/vé khi chưa được phép của cơ quan thẩm quyền; tự ý phát hành - nhân bản các đĩa DVD tuyên truyền quảng cáo tới khách du lịch nhưng nội dung đĩa chưa được cơ quan thẩm quyền thẩm định và cho phép.
“Tất cả các đĩa này chưa được dán tem lưu hành nên có thể khẳng định đĩa in sao trái phép. Các bảng biển giới thiệu về lịch sử do Công ty Cổ phần du lịch Tràng An gắn cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép” – ông Phạm Xuân Phúc khẳng định.
Cùng với đó, tên “Tràng An cổ” được Công ty CP Du lịch Tràng An gắn cho vùng tham quan bị cho là hoàn toàn bịa đặt, bởi khi đoàn Thanh tra yêu cầu công ty xuất trình hồ sơ, tài liệu nào của Nhà nước chứng minh đây là vùng “Tràng An cổ” thì đơn vị này không xuất trình được. Với các sai phạm nghiêm trọng trên, Bộ VH-TT&DL yêu cầu Sở Du lịch Ninh Bình và huyện Hoa Lư đình chỉ ngay lập tức hoạt động của công ty này. .
Một điểm khác đáng quan ngại nữa là trong nhà ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An bị phát hiện trưng bày hàng chục tủ kính đề di vật cổ thời Đinh – Lê. Dù vậy, khi được đoàn thanh tra hỏi, người này không thể cung cấp các thông tin về niên đại của các loại đồ cổ đó mà nói là do… cha ông để lại (!?). Hiện Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Son không được đề những món đồ trên là đồ niên đại mà phải ghi là đồ của cha ông để lại.
Cận cảnh công trình “khủng” trái phép trong di sản thế giới Tràng An
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm, bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng hàng ... |