Thay đổi mức trần lãi suất, người vay có lợi gì?

Lãi suất tối đa trong các hợp đồng vay tài sản các bên được thỏa thuận theo BLDS năm 2015 không quá 20%/năm (tức 1,7%/tháng).

Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 20% thì có khả thi và linh hoạt hơn mức trần lãi suất cũ hay không?

Độc giả: Tuyết Mai

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2017, thay thế cho BLDS 2005 đề cập đến nhiều quy định mới, cụ thể, tạo nhiều điều kiện cho quan hệ giao dịch dân sự được diễn ra thuận lợi hơn, trong đó phải kể đến vấn đề lãi suất, một nội dung không thể thiếu trong hợp đồng vay tài sản.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy, lãi suất tối đa trong các hợp đồng vay tài sản các bên được thỏa thuận theo BLDS năm 2015 không quá 20%/năm (tức 1,7%/tháng). Như vậy, so với BLDS 2005 mức trần lãi suất cho vay đã tăng thêm tới 6,5%/năm (từ 13,5%/năm lên 20%/năm).

Việc tăng mức trần lãi suất vay sẽ có lợi cho các ngân hàng, các công ty tài chính nói riêng và các bên cho vay nói chung. Nhưng lại khá bất lợi cho các bên vay, đồng thời cũng có thể gây khó khăn cho chính cả các ngân hàng, các công ty tài chính. Trên thực tế mấy năm gần đây, nhìn chung lãi suất cho vay của các ngân hàng không quá 20%/năm.

Tuy nhiên, đối với lãi suất cho vay thông qua thẻ tín dụng phổ biến trong khoảng 20-35%/năm, đặc biệt là lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng hiện nay có thể lên đến 26-27%/năm và của công ty tài chính lên đến 45-65%/năm. Vì vậy, nếu phải áp dụng mức trần lãi suất cho vay 20%/năm của Bộ luật Dân sự 2015 thì sẽ khá thấp và mâu thuẫn với nguyên tắc tự do hóa lãi suất đã được thừa nhận trong ngành ngân hàng và nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn các ngân hàng, công ty tài chính có được cho vay vượt mức lãi suất 20%/năm hay không dựa theo quy định mở rộng “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài ra, về trường hợp không rõ về lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất. Theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015, trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật này. Theo quy định này mức lãi suất trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp sẽ là 10%/01 năm (tức 0,83%/tháng).

So với quy định tại khoản 2 Điều 476 BLDS năm 2005 thì trường hợp không rõ về lãi suất hoặc các bên đương sự có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Theo quy định này thì mức lãi suất có tranh chấp là 0,75%/01 tháng. Như vậy, mức lãi suất trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất theo quy định của BLDS năm 2015 không phụ thuộc vào lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước và mức lãi lớn hơn so với quy định của BLDS năm 2005.

Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ quá hạn. Trường hợp vay không có lãi quá hạn, theo quy định tại khoản 4 Điều 466 BLDS năm 2015, trường hợp vay không lãi. Nếu quá hạn vay, người vay phải chịu mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này (tức là bằng 50% mức lãi suất so với lãi suất vay tối đa do các bên thỏa thuận). Trường hợp này mức lãi suất được áp dụng giống như trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất.

Trường hợp vay có lãi quá hạn, theo quy định tại khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015, trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 5 Điều này.

Như vậy, BLDS năm 2015 quy định rõ 2 trường hợp vay có lãi khi đến hạn mà không trả. Trường hợp thứ nhất, đối với tiền lãi phát sinh trong hạn chưa trả thì phải chịu lãi suất như trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất (10%/năm). Trường hợp thứ hai,đối với trường hợp lãi quá hạn chưa trả thì bên vay phải chịu mức lãi suất bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng (ví dụ: Mức lãi trong hợp đồng là 1%, quá hạn sẽ là 1,5%). Do vậy, theo quy định mới thì bên vay phải trả lãi suất quá hạn trong trường hợp vay có lãi là 150%, so với lãi suất theo hợp đồng các bên đã thỏa thuận (ví dụ: Lãi suất trong hạn các bên thỏa thuận với nhau 20%, nếu đến hạn bên vay không trả được sẽ phải chịu lãi suất 20% x 150% = 30%/năm). Với quy định này sẽ thúc đẩy được trách nhiệm trả nợ của bên vay, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người cho vay, phù hợp với xu thế của thực tiễn trong các giao dịch tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn hoặc xuanthuandong@gmail.com

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
[Photostory] Dự án có lượng booking khủng nhất Hà Nội trong quý I/2024
Ngày 1/3 vừa qua, CapitaLand đã chính thức khởi công dự án căn hộ cao cấp Lumi Hà Nội tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo CBRE, trong quý I, Lumi Hà Nội đã đạt được 4.500 booking, vượt hơn số lượng dự kiến chào bán ban đầu, giá bán dự kiến từ 66 triệu đồng/m2.