Thầy giáo mầm non: Yêu nghề từ những nụ cười thơ ngây của trẻ

Dù đến với nghề mầm non bằng nhiều lý do khác nhau, nhưng có thể gắn bó với công việc vốn được coi là “nuôi dạy… hổ” thì những thầy giáo ấy đều có điểm chung là phải có tình yêu thương với những đứa trẻ.
 

Mơ ước xây nhà tình thương cho những đứa trẻ lang thang

Năm 2009, chàng trai Trần Văn Tường (Thái Nguyên) thi và đều trượt hai trường đại học. Tường theo học Luật tại một trường trung cấp nhưng không phù hợp nên sau đó bạn đến Hà Nội để quyết tâm ôn thi lại. Chính thời gian làm việc và ôn thi ở đây đã nhen nhóm ở Tường quyết định sẽ làm mầm non.

Để trang trải cho cuộc sống của mình, đồng thời có thể ôn thi lại, Tường đi làm thuê, từ phụ hồ, rồi chuyển sang nghề sơn tường và đi theo công trình.

Công trình Tường làm gần ngay Hồ Gươm, nên sau mỗi buổi làm Tường thường đi dạo quanh hồ để thoải mái. Lần nào Tường cũng bắt gặp những em bé lang thang đi mời chào khách mua nhưng chẳng mấy người ủng hộ.

thay giao mam non yeu nghe tu nhung nu cuoi tho ngay cua tre
Thầy giáo mầm non Trần Văn Tường trong một giờ dạy tại trường Mầm non Điện lực

“Tôi thấy buồn vì ở các em còn quá nhỏ mà đã phải bươn chải với đời, phải chịu đựng những bon chen, bụi bặm ngoài đường, phải đối phó với nhiều hạng người trong xã hội. Mỗi khi gặp các em tôi cũng chỉ biết hỏi thăm và mua giúp các em chút đồ ủng hộ”, Tường chia sẻ.

Trong vô số những em nhỏ bán rong mà Tường gặp, bạn ấn tượng nhất với một cậu bé tên Tuấn.

“Em này mới chỉ 9 tuổi. Khi đến trước tôi, cậu bé quỳ xuống và xin mình mua giúp cây bút. Nhưng khi ấy mình không còn tiền vì chưa lĩnh lương. Qua hỏi chuyện, cậu bé bảo còn có anh trai là Hoàng, cũng lang thang đi bán hàng rong. Ba mẹ mất sớm nên cũng không nhớ được mặt.

Tôi cùng bé đi bán tăm đến đêm thì tôi phải về để chuẩn bị cho công việc ngày mai. Hôm sau tôi ra lại chỗ cũ nhưng không gặp bé. Hỏi thăm mọi người thì mới biết để bán hàng được, em phải thường xuyên thay đổi điểm bán. Sau này nhiều lần quay lại chỗ cũ nhưng tôi vẫn không tìm thấy bé. Bây giờ cậu bé ấy chắc cũng được khoảng 15 tuổi rồi”, Tường nhớ lại.

Chính việc gặp gỡ, trò chuyện với những đứa trẻ lang thang ấy đã thôi thúc Tường thi vào khoa Giáo dục mầm non của trường Sư phạm Thái Nguyên. Hiện tại bạn đang công tác tại trường Mầm non Điện Lực, thành phố Thái Nguyên.

Tường còn ước mơ sau này mở một nhà trẻ gia đình hay xây được một ngôi nhà để cưu mang những đứa trẻ lang thang, bị bỏ rơi. Để các em không còn phải đi bán rong hằng ngày mà được học hành, đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa.

Tường bày tỏ: “Tôi từng lang thang để tìm kiếm việc làm nên phần nào hiểu được cuộc sống mưu sinh của các em ở những nơi chật chội, bon chen. Sinh ra đã không được may mắn như nhiều đứa trẻ khác, nếu các em không được đến trường, được giáo dục tử tế thì rất dễ sa ngã”.

Sinh nhật đẫm nước mắt vì học trò

Kể về duyên đến với nghề mầm non, thầy giáo Nguyễn Đắc Hùng (trường Mầm non Hồng Dụ, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) cho biết: “Tôi chọn bao nhiêu nghề để học, để làm nhưng chưa từng nghĩ rằng sẽ gắn bó với nghề mầm non, với những đứa bé còn chưa tự lo cho mình việc vệ sinh cá nhân”.

Sau khi học xong cấp 3, Hùng đi nghĩa vụ quân sự và học kỹ thuật để chuyển lên chuyên nghiệp. Cảm thấy không phù hợp nên đợi ra quân, Hùng học và làm cho một công ty chuyên cung cấp dịch vụ vệ sĩ. Người yêu lo lắng nghề này nguy hiểm nên Hùng lại bỏ, về ứng tuyển công an xã, học sửa chữa điện, ô tô.

Đứng ra kinh doanh riêng nhưng được một thời gian, Hùng xin làm bảo vệ cho một trường mầm non gần nhà. Sống trong môi trường học đường, gần gũi trẻ nhỏ khiến mong muốn được đi học trỗi dậy trong suy nghĩ của chàng trai trẻ. Hùng đọc thêm sách, nộp hồ sơ thi sư phạm âm nhạc và nhận được giấy gọi nhập học trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương hệ trung cấp.

thay giao mam non yeu nghe tu nhung nu cuoi tho ngay cua tre
Thầy Hùng được rất nhiều học trò mầm non yêu quý

Trong suốt 2 năm công tác, Hùng ấn tượng nhất với em học trò Nguyễn Bá Hiệu, em học trò khiến sinh nhật của Hùng đẫm nước mắt vì… biến mất khỏi lớp.

Nhớ lại ngày này, Hùng chia sẻ chưa bao giờ mình lo lắng và sợ hãi như vậy, lo sợ vì trên ti vi có đưa thông tin nhiều vụ bắt cóc trẻ em.

“Hiệu trốn ra ngoài trong lúc tôi đang trả trẻ khác. Bé trốn ra nhưng lại đi cùng với cậu của mình. Khi đón cậu không bảo tôi, cũng không thông báo với gia đình mà đón về rồi đưa đi chơi luôn. Đến khi ông của Hiệu đến đón thì tôi mới tá hỏa vì vừa mới 10 phút trước Hiệu vẫn quanh quẩn bên tôi. Tất cả mọi người đều đi tìm, tôi nhờ cả gia đình và bạn bè nhưng mãi mà không thấy.

Tôi vừa tìm vừa khóc và nghĩ không biết là em đã đi đâu. Rồi phụ huynh nói là cậu của bé đón về nhà từ chiều. Vẫn không tin nên tôi chạy đến tận nhà để xem, đến nơi nhìn thấy nhau, hai thầy trò chỉ biết ôm nhau ngồi khóc. Hôm ấy sinh nhật nên tôi định bụng tan làm về sớm sẽ cùng với vợ con đi ra ngoài để đi ăn nhưng tất cả tiêu tùng hết”, thầy Hùng nhớ lại.

Thầy Hùng thẳng thắn chia sẻ lại những ngày mới bắt đầu học thầy ngại chia sẻ với bạn bè mình về công việc mình làm. “Phần vì bạn bè không tin dù mình có nói, hay nếu có người tin thì cũng sẽ nghĩ đây không phải là công việc tốt đối với tôi.

Còn bây giờ thì hoàn toàn khác, tôi thấy vinh dự và tự hào mỗi khi người khác gọi tôi là thầy giáo mầm non. Còn bọn trẻ cũng như là con cái của tôi. Không có các em thì tôi đã nghỉ dạy ngay sau khi thi trượt viên chức rồi. Chỉ cần nghĩ đến chúng là mọi khó khăn sẽ qua hết!”.

chọn
ĐHĐCĐ KSF: Hướng đến thành cổ đông chiến lược của SCG, dồn lực cho siêu dự án Wonder Tower tại Ciputra
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo KSF cho biết, trong ba năm tới sẽ tập trung hoàn thành ba dự án Golden River, Sky City và Wonder Tower. Trong ba năm tới doanh nghiệp cần tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, doanh thu dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.