Thầy giáo Việt phản đối việc cấm giáo viên bản ngữ gọi tên tiếng Anh

Gọi tên học sinh bằng tiếng Anh mang hiệu ứng tích cực về tâm lý cho học sinh, giúp giáo viên tập trung giảng dạy hơn... 

Thầy giáo Nguyễn Xuân Quang, giáo viên dạy tiếng Anh, chia sẻ quan điểm về việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM quy định giáo viên bản ngữ phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt và tuyệt đối không đặt tên tiếng Anh cho học sinh.

Jackie Chan tên thật là gì? Chắc họa hoằn lắm mới có người biết "Chan Kong-sang". Lý do Jackie đổi tên có lẽ vì tên tiếng Trung của ông thuộc diện khó đọc. Không chỉ Jackie, rất nhiều người, khi tiếp xúc trong môi trường đa văn hóa, đã tạo ra nickname, hoặc thay đổi tên để tiện cho quá trình giao tiếp.

thay giao viet phan doi viec cam giao vien ban ngu goi ten tieng anh
SỞ GD&ĐT TP HCM vừa ra quy định yêu cầu giáo viên bản ngữ không được gọi tên tiếng Anh của học sinh trong lớp đang gây ra nhiều tranh cãi.

Vậy mà Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM lại có quy định cấm giáo viên bản ngữ gọi học sinh Việt Nam bằng nickname. Không nói những chuyện dễ hiểu lầm như Phúc, Dũng (Dung), Bích, những cái tên như Phương, Quyên, Ngọc đều rất khó phát âm với người nước ngoài.

Thiết nghĩ Sở Giáo dục và Đào tạo có cần thiết can thiệp vào từng hoạt động nhỏ trong các lớp học tiếng Anh không? Nên chăng những câu chuyện chuyên môn, làm thế nào tốt nhất cho học trò, hãy để giáo viên tiếng Anh đảm nhiệm.

Hơn thế, việc cấm gọi tên tiếng Anh của Sở khéo còn làm hại cho việc học của trẻ em. Thứ nhất, phải khẳng định rằng có một cái tên tiếng Anh không gây hại gì đến thuần phong mỹ tục mà phải cấm. Thứ hai, lựa chọn một cái tên tiếng Anh nhiều khi mang hiệu ứng tích cực về tâm lý cho học sinh. Học ngôn ngữ cũng là học văn hóa. Khi học tiếng Anh và có một cái tên tiếng Anh, học sinh sẽ cảm thấy tự tin hơn, gần gũi hơn với ngôn ngữ mình đang học. Do đó, việc học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Về phía giáo viên, việc gọi học sinh bằng tên tiếng Anh, cái tên do chính học sinh lựa chọn, sẽ giúp họ xóa nhòa khoảng cách với học sinh. Thầy giáo là Jack thì học sinh là John. Và thay vì chú ý phát âm cho đúng tên của học sinh, giáo viên có thể tập trung nhiều hơn vào việc giảng dạy học sinh sao cho tốt nhất.

Một điểm khác trong quy định là cấm giáo viên bản ngữ sử dụng phương tiện nghe nhìn như CD, cat-set, máy tính... trong giảng dạy. Quy định này lợi bất cập hại. Thứ nhất, nó tạo ra sự phân biệt đối xử giữa giáo viên bản xứ và giáo viên bản địa. Thứ hai, nó ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh khi học với thầy nước ngoài.

Một điểm nữa là yêu cầu các tiết học có giáo viên bản xứ phải có sự tham gia của giáo viên Việt Nam, nhưng không được sử dụng tiếng Việt. Quy định này khó hiểu ở hai điểm. Thứ nhất, tại sao lại phải có giáo viên Việt Nam giám sát? Điều này có nghĩa là giáo viên bản xứ không đảm bảo chất lượng? Nếu không đảm bảo chất lượng, sao còn cho giáo viên bản xứ đứng lớp?

Thứ hai, việc "cấm" sử dụng tiếng Việt trong lớp có thể không phù hợp với thực trạng giảng dạy. Mục tiêu cao nhất của giảng dạy không phải là giáo viên dùng 100% tiếng Anh, hay dùng song ngữ, mà là làm sao để học sinh tiếp thu được nhiều kỹ năng, kiến thức nhất có thể.

Ở một số lớp, nếu các em đã giao tiếp tốt rồi, sử dụng 100% tiếng Anh có thể là tốt nhất. Ở các lớp khác, nếu học sinh ít hoặc gần như chưa tiếp xúc với giáo viên nước ngoài bao giờ, việc sử dụng song ngữ (tiếng Anh - tiếng Việt) sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Có rất nhiều bất cập trong quy định mới nhất của sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM. Giáo dục là ngành đặc thù, do đó trước khi đưa ra bất kỳ quy định gì, có lẽ Sở nên tham khảo ý kiến của các bên liên quan bao gồm thầy cô giáo và học sinh, phụ huynh.

Và về mặt nguyên tắc, chất lượng chuyên môn hoặc hoạt động trong lớp học là nhiệm vụ của giáo viên và trường học. Còn nhiệm vụ của Sở Giáo dục là kiến tạo một môi trường giáo dục tốt nhất để mỗi thầy cô, trường học phát huy được tốt nhất lợi thế của mình, chứ không phải can thiệp vào các quyết định giảng dạy trong lớp của mỗi giáo viên.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.