Thế giới có thể mất 600 tỉ USD vì chiến tranh thương mại Mỹ Trung

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước sang giai đoạn nguy hiểm mới. Hai nước đều đã thông báo nâng thuế nhập khẩu với hàng hóa của nhau và đe dọa áp thêm thuế mới. Trên lý thuyết, tình hình này vẫn có thể được giải quyết nhanh chóng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau tại Hội nghị G20 tháng tới. Nhưng hiện tại, khả năng cao hơn cả là cuộc chiến thương mại sẽ còn kéo dài, ngày càng phức tạp và tốn kém.

Trên Bloomberg, hai nhà kinh tế học - Dan Hanson và Tom Orlik đã nghiên cứu các kịch bản chính về diễn biến cuộc chiến này. Kết luận nổi bật nhất của họ là nếu Mỹ - Trung Quốc đánh thuế toàn bộ hàng hóa của nhau và khiến thị trường lao dốc, GDP toàn cầu sẽ mất 600 tỷ USD năm 2021 – năm bị tác động đỉnh điểm.

Kịch bản 1: Mức thuế hiện tại

Ngày 10/5, Mỹ nâng thuế với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%. Trung Quốc cũng trả đũa bằng thông báo nâng thuế từ ngày 1/6 với gần 60 tỉ USD hàng Mỹ, lên tối đa 25%. Đến năm 2021, mô hình của Hanson và Orlik cho thấy GDP Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm lần lượt 0,5% và 0,2% so với kịch bản không có chiến tranh thương mại. GDP toàn cầu cũng sẽ đi xuống.

Thế giới có thể mất 600 tỉ USD vì chiến tranh thương mại Mỹ Trung - Ảnh 1.

Mức giảm GDP của Trung Quốc (trái), Mỹ (phải) và toàn cầu (dưới) theo kịch bản 1.

Kịch bản 2: Áp thuế 25% với toàn bộ hàng hóa của nhau

Mỹ đã đe dọa áp thuế 25% với toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu hai nước không đạt được một thỏa thuận.

 Tuy vậy, lời đe dọa này dường như không mấy tác dụng. Trung Quốc đã tuyên bố rõ quan điểm trong một chương trình truyền hình, rằng: "Nếu anh muốn nói chuyện, chúng tôi luôn sẵn sàng. Nếu anh muốn chiến tranh, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng".

Với kịch bản này, GDP Trung Quốc sẽ mất 0,8%, Mỹ mất 0,5% và toàn cầu mất 0,5% giữa năm 2021.

Thế giới có thể mất 600 tỉ USD vì chiến tranh thương mại Mỹ Trung - Ảnh 2.

Mức giảm GDP của Trung Quốc (trái), Mỹ (phải) và toàn cầu (dưới) theo kịch bản 2.

Kịch bản 3: Thị trường chịu cú sốc vì nâng thuế

Các thị trường tài chính vốn đã chao đảo mỗi khi có tin tức mới về chiến tranh thương mại. Thị trường Trung Quốc chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng, với mức biến động ngày rất lớn. 

Dù vậy, nếu tính chung từ đầu năm, chứng khoán Trung Quốc và Mỹ đều đang tăng, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang đặt cược khả năng đạt thỏa thuận. Vì thế, nếu mọi việc không như ý, và các công ty lớn như Apple bị áp thuế, thị trường sẽ có đợt điều chỉnh mạnh.

So với kịch bản 2, Hanson và Orlik cộng thêm vào kịch bản này mức giảm 10% của thị trường chứng khoán, trong trường hợp tất cả hàng hóa hai nước bị đánh thuế nhập khẩu 25%. Khi đó, GDP Mỹ, Trung Quốc và toàn cầu sẽ mất lần lượt 0,9%, 0,7% và 0,6% (tương đương 600 tỷ USD) năm 2021. Trong trường hợp này, biến động trên thị trường chứng khoán là yếu tố kéo tụt cả tiêu dùng và đầu tư, khiến ảnh hưởng càng lớn.

Thế giới có thể mất 600 tỉ USD vì chiến tranh thương mại Mỹ Trung - Ảnh 3.

Mức giảm GDP của Trung Quốc (trái), Mỹ (phải) và toàn cầu (dưới) theo kịch bản 3.

Nghiên cứu kết luận, dù kịch bản nào xảy ra, hậu quả cũng sẽ không chỉ giới hạn tại Mỹ và Trung Quốc. 
Theo đó, nếu xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm, các nền kinh tế chịu đòn lớn nhất là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Malaysia. Đây là các nước nằm trong chuỗi cung ứng ở châu Á.

 Khoảng 1,6% GDP Đài Loan phụ thuộc vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, lớn nhất là máy tính và đồ điện tử. Với Hàn Quốc và Malaysia, con số này lần lượt là 0,8% và 0,7%. Các ngành chịu trận cũng tương tự.

 Vì vậy, nhà kinh tế học Maeva Cousin đã sử dụng dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để đánh giá nước chịu thiệt hại nặng nhất.

Ở chiều ngược lại, nếu hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc giảm, Canada và Mexico là các quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng nhỏ hơn nhiều so với các nước châu Á ở trên.

Chiến tranh thương mại leo thang cũng sẽ có tác động lên thị trường hối đoái, qua nhiều kênh. Đó là sự thay đổi về dòng chảy thương mại cũng như dự báo tăng trưởng và chính sách tiền tệ. 

Nhà kinh tế học David Powell đã kết hợp dữ liệu của OECD với các mô hình tính toán để chỉ ra những tiền tệ bị ảnh hưởng mạnh nhất. Theo đó, NDT được dự báo biến động lớn nhất, theo sau là baht Thái và đôla Canada.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018, với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỉ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỉ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỉ USD.

Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc, vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. 

Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỉ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ.


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.