Thế Giới Di Động, FPT, Digiworld sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong cuộc khủng hoảng Huawei?

Huawei chiếm tỉ trọng doanh thu của Thế Giới Di Động và FPT khoảng 4-6%. Trong tình huống xấu nhất, hai ông lớn bán lẻ điện thoại tại Việt Nam có thể phải trích lập dự phòng lên đến hơn trăm tỉ đồng cho lô hàng Huawei.

Theo báo cáo mới công bố của Công ty CP Chứng khoán VnDirect, sau khi hãng điện thoại hàng đầu Trung Quốc Huawei bị Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt, thị trường điện thoại thông minh trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhận định của VnDirect cho rằng mức độ ảnh hưởng là không đáng kể. Bởi thị phần Huawei tại Việt Nam chỉ khoảng 4%, tương đương với quy mô 2.650 tỉ đồng.

Thế Giới Di Động, FPT, Digiworld sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong cuộc khủng hoảng Huawei? - Ảnh 1.

Trong tình huống xấu nhất, Thế Giới Di Động có thể phải trích lập dự phòng 110 tỉ đồng cho lô hàng Huawei. (Ảnh: TGDĐ).

Theo ước tính của VnDirect, thị phần của Huawei tại Việt Nam đang rất nhỏ, xếp sau các thương hiệu lớn Samsung, Oppo, Apple, Xiaomi. Sức mạnh thương hiệu của Huawei tại Việt Nam không quá cao, và người tiêu dùng hoàn toàn có thể chuyển sang các thương hiệu tầm trung khác như Oppo, Xiaomi, Nokia… 

Vì vậy, sẽ không có biến động lớn trong xu hướng tiêu dùng của thị trường điện thoại thông minh tại Việt Nam.

Thế Giới Di Động, FPT, Digiworld bị ảnh hưởng ra sao trong cuộc khủng hoảng Huawei?

Hiện nay, hai nhà bán lẻ điện thoại di động lớn nhất cả nước là Thế Giới Di Động và FPT đều phân phối các sản phẩm của Huawei. Theo tính toán của VnDirect, doanh thu từ điện thoại Huawei của Thế Giới Di động và FPT dao động 4-6%. Vì vậy, việc Mỹ trừng phạt hãng điện thoại Trung Quốc này sẽ có ít nhiều tác động.

Song, việc tác động sẽ không quá nhiều, khi khách hàng có thể thay thế thương hiệu này bằng các thương hiệu khác. Do vậy, biến động không làm giảm doanh thu của nhà bán lẻ.

Tuy nhiên, cả hai nhà bán lẻ đều phải đối mặt với rủi ro về hàng tồn kho và các hợp đồng thanh toán trả góp đang thực hiện cho các sản phẩm của Huawei.

"Chúng tôi thiên về hai trường hợp có thể xảy ra. Một là Huawei và đối tác chia sẻ chi phí, xử lí hàng tồn kho, bằng cách giảm giá bán và các chương trình khuyến mãi. Hoặc Huawei mua lại toàn bộ lô hàng từ nhà bán lẻ, tương tự trường hợp Samsung mua lại toàn bộ sản phẩm Galaxy Note 7 sau sự cố về pin", chuyên gia Công ty CP Chứng khoán VnDirect cho biết.

Hiện Thế Giới Di Động và FPT đều đang chờ phản hồi từ Huawei để tìm ra những giải pháp tối ưu.

Kịch bản xấu cho Thế Giới Di Động, FPT nếu Huawei không có chính sách hỗ trợ nào

Thế Giới Di Động, FPT, Digiworld sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong cuộc khủng hoảng Huawei? - Ảnh 2.

Huawei chiếm tỉ trọng doanh thu của Thế Giới Di Động và FPT khoảng 4-6%. (Ảnh: TGDĐ).

Tuy nhiên, một kịch bản xấu hơn là Huawei sẽ không đưa ra chính sách hỗ trợ nào cho các đối tác, bởi lệnh cấm của Mỹ kéo dài và các sản phẩm của hãng không bán được.

Trong tình huống này, cả Thế Giới Di Động và FPT đều bắt buộc phải trích lập dự phòng cho lô smartphone hiện tại của Huawei. 

Ước tính quy mô tối đa mà Thế Giới Di Động phải trích lập dự phòng khoảng 110 tỉ đồng, tương đương 11,5% lợi nhuận sau thuế năm 2018. FPT cũng phải trích lập dự phòng 40 tỉ đồng, tương đương 3,8% lợi nhuận sau thuế năm 2018. 

Con số này ước tính dựa trên giả định lượng tồn kho của các nhà bán lẻ trong vòng một tháng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới số - Digiworld, có thể được hưởng lợi từ sự cố Huawei này. Nguyên nhân rất đơn giản vì Digiworld không phân phối sản phẩm của Huawei mà chủ yếu độc quyền Nokia và Xiaomi. 

Sự sụt giảm của Huawei có thể đẩy doanh số hai dòng điện thoại này của doanh nghiệp lên cao hơn.

Huawei có thể mất vị trí smartphone thứ hai thế giới sau sự cố

Giữa tháng 5, chính quyền Donald Trump đưa Huawei vào "danh sách đen". Bất kì công ty Mỹ nào muốn cung cấp linh kiện, dịch vụ cho đối tác Trung Quốc đều phải có giấy phép đặc biệt từ cơ quan quản lí.

Sau đó ít ngày, hàng loạt tập đoàn công nghệ Mỹ, trong đó có nhóm công ty sản xuất chip Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom… lần lượt tạm dừng hợp tác với Huawei.

Nhiều nhà cung cấp châu Âu, Nhật Bản cũng tạm ngưng giao các lô hàng đã đặt trước cho công ty Trung Quốc.

Với sự gắt gao của chính quyền Mỹ, chuỗi cung ứng smartphone toàn cầu sẽ có nhiều biến động. Dù Huawei chỉ nắm 4% thị phần Việt Nam nhưng nhà sản xuất điện thoại di động này đang là đơn vị sản xuất, cung ứng lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Samsung và trên cả Apple. 

Năm 2018, Huawei nắm 14% thị phần toàn cầu.

Với công nghệ tương tự và cùng phân khúc giá, Xiaomi và Oppo được cho là những ứng viên thay thế cho các sản phẩm của Huawei. Hai "ông lớn" Samsung và Apple cũng sẽ được hưởng lợi. 

Tuy nhiên, Apple lại có nguy cơ bị trả đũa, do Trung Quốc vốn là thị trường rất lớn. Các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc có thể sẽ bị áp thuế cao, khiến giá bán lẻ tăng 15-20% làm ảnh hưởng doanh số toàn cầu.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.