Trước đây có thông tin nói người xin visa phải khai luôn cả mật khẩu mạng xã hội đang xài. (Ảnh chụp màn hình)
Tờ The Hill ngày 1/6 dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: chính sách mới đã bắt đầu được áp dụng với gần như tất cả những người muốn đến Mỹ, dù tạm thời hay muốn trở thành thường trú nhân.
Người xin visa có thể đánh dấu vào ô không sử dụng mạng xã hội nếu điều đó là sự thật. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Mỹ cảnh báo nếu nói dối, hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng. Vị này không nói rõ hậu quả đó là gì.
Trước mắt, người xin visa chỉ cần khai báo một số mạng xã hội lớn mà họ đang sử dụng như Facebook, Twitter. Trong tương lai, họ sẽ phải liệt kê tất cả mạng xã hội đã đăng kí, kể cả các mạng xã hội mang tính địa phương, quốc gia.
"Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường và siết chặt việc kiểm soát công dân nước ngoài đến Mỹ", quan chức giấu tên nói với Hill.TV.
"Như quý vị có thể thấy trong một vài năm gần đây trên thế giới, mạng xã hội đã biến tướng trở thành nơi tụ họp của những kẻ ủng hộ khủng bố.
Chính sách mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sàng lọc, ngăn chặn những kẻ khủng bố, những cá nhân nguy hiểm đe dọa an toàn của người khác đặt chân đến Mỹ và hưởng các lợi ích từ việc đó", vị này nhấn mạnh.
Yêu cầu mới trong việc xin visa bắt nguồn từ một sắc lệnh hành pháp được kí vào tháng 3/2017 bởi Tổng thống Donald Trump nhằm kiểm soát những kẻ có hành vi cực đoan đến Mỹ. Tháng 3/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ sớm bắt đầu thực hiện quy định mới theo chỉ đạo của ông Trump.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã vấp phải sự chỉ trích đáng kể vào năm 2015 sau khi Tashfeen Malik giúp chồng của y, Syed Farook - một công dân Mỹ, giết chết 14 người trong vụ xả súng cùng năm tại San Bernardino, California.
Malik tuyên bố đã bị "cảm hóa" trước các luận điệu tuyên truyền của bọn khủng bố trên mạng xã hội trước khi xin cấp visa Mỹ.