Theo cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa sẽ chuyển từ cơ quan chuyên trách sang doanh nghiệp (nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập khẩu). Doanh nghiệp được chủ động khai nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình nhưng cũng đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc khai nhận đó.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, đây là cơ chế chứng nhận xuất xứ mới bởi trước đây doanh nghiệp đều phải xin chứng nhận xuất xứ tại một cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước chỉ định. Tuy nhiên, đối với thế giới, cơ chế này đã trở nên rất phổ biến.
Trong một số FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đã được ghi nhận, thậm chí là bắt buộc.
Ví dụ, CPTPP qui định bắt buộc sử dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo một lộ trình và sau một thời gian nhất định.
EVFTA cho phép sử dụng song hành cả cơ chế tự chứng nhận xuất xứ và cơ chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Từ góc độ doanh nghiệp, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ có nhiều ưu điểm hơn so với cơ chế xin cấp chứng nhận xuất xứ truyền thống.
Cụ thể, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi xin giấy chứng nhận xuất xứ ở cơ quan có thẩm quyền; chủ động trong chuẩn bị giấy tờ, thủ tục liên quan đến chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp có thể khai thông tin về xuất xứ ngay trên các chứng từ thương mại (như hóa đơn, vận đơn, phiếu đóng gói…).
Tuy nhiên, việc tự chứng nhận xuất xứ cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm cao hơn đối với các giấy từ chứng nhận của mình, đồng thời phải chịu cơ chế kiểm soát (kiểm soát tức thời, kiểm soát hồi tối) chặt chẽ hơn từ cơ quan chức năng (đặc biệt là cơ quan hải quan nước nhập khẩu), phải chịu các chế tài nặng nếu vi phạm…
Ngoài ra, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện Nhà nước đặt ra để được phép tự chứng nhận xuất xứ, không ít trường hợp các điều kiện này rất khó đáp ứng.