Đây là một trong những câu hỏi do thí sinh đặt ra tại Ngày hội tuyển sinh năm 2018 do trường ĐH Ngoại thương tổ chức vào chiều ngày 8/4. Hàng nghìn học sinh đã đến từ sớm để được lắng nghe những giải đáp về việc chọn ngành, phương thức xét tuyển năm 2018 của trường.
- Tỉ lệ thí sinh các vùng nông thôn trúng tuyển vào các khối như A1 vào các ngành ngôn ngữ hằng năm có cao không? Bởi vì em cũng là một thí sinh nông thôn và đã xác định theo khối A1. Nhưng em được khuyên là không nên tập trung toàn bộ vào khối thi này bởi khả năng "chọi" được với các thí sinh ở thành phố rất khó. Vậy nếu em đến từ nông thôn thì em có cơ hội đỗ vào các ngành ngoại ngữ ở trường không?
(Em Nguyễn Thái Hòa, Thái Bình)
TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Ngoại thương đã đại diện cho các giảng viên để trả lời thắc mắc của thí sinh này.
TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Ngoại thương giải đáp những thắc mắc của thí sinh tại chương trình. Ảnh: Huyền Trần |
“Với trường ĐH Ngoại thương, cho đến thời điểm này, cô có thể chắc chắn rằng cơ hội đến với tất cả các thí sinh, không phân biệt thành phố hay nông thôn, miễn là các em có đủ khả năng, tức là các em đạt được kết quả tốt trong kì thi THPT quốc gia.
Cho dù xuất phát điểm của các em khác nhau, điều kiện khác nhau, đến từ những vùng khác nhau thì khi đến với trường ĐH Ngoại thương các em sẽ có cơ hội học tập nhóm.
Ở đó, em được phát triển khả năng làm việc nhóm với rất nhiều bạn đến từu nhiều nơi khác nhau. Đến lúc đó, các em không còn cảm giác phân biệt mình đến từ đâu. Mà chỉ có một cảm giác duy nhất: mình là Ngoại thương.
Do đó, các em đừng nên bận tâm nhiều đến việc em đến từ thành phố hay nông thôn. Điều duy nhất hiện tại các em cần quan tâm đó là trau dồi kiến thức, cố gắng, nỗ lực để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, bởi đó là kì thi quan trọng nhất.
Các em cũng đừng lo ngại khối A1, D1 hay bất cứ khối nào khác. Vì hiện tại, theo như thống kê của nhà trường, điểm chênh lệch giữa các khối này cũng chỉ ở mức 0,5 điểm. Do đó, cơ hội cho các em vào là ngang nhau, không phân biệt tổ hợp đăng ký, không phân biệt đối tượng các em từ đâu”, TS Phạm Thu Hương chia sẻ với các thí sinh tham dự chương trình.
Thí sinh đặt câu hỏi, được giải đáp về đào tạo các ngành ngoại ngữ tại ĐH Ngoại thương. Ảnh: Huyền Trần |
- Ngành ngoại ngữ của trường ĐH Ngoại thương có gì khác với ngành ngoại ngữ của các trường đại học khác?
Đại diện giảng viên các khoa ngoại ngữ trường ĐH Ngoại thương đã có giải đáp về thắc mắc này của thí sinh.
Đặc điểm ngành ngoại ngữ tại ĐH Ngoại thương là các em được phân vào học chuyên ngành ngoại ngữ thương mại. Tức là các em sẽ học ngoại ngữ gắn liền với yếu tố thương mại luôn chứ không phải là ngành ngôn ngữ chung nữa. Ngôn ngữ ngoại ngữ mà các em được đào tạo là ngôn ngữ thương mại.
Hiện nay, trường ĐH Ngoại thương có 4 ngành ngoại ngữ thương mại là: Tiếng Anh thương mại, Tiếng Nhật thương mại, Tiếng Trung thương mại và Tiếng Pháp thương mại.
Đặc thù trong nội dung đào tạo ngành ngoại ngữ ở trường là có 1/3 các môn học là liên quan đến đại cương, kinh tế các em sẽ được học bằng tiếng Việt. Còn lại 2/3 các môn sẽ là ngoại ngữ. Trong các môn ngoại ngữ này lại có những môn về kiến thức ngành, kiến thức chuyên ngành kinh tế được học bằng chính ngoại ngữ đó.
Ví dụ như trong tiếng Nhật thì sẽ có các môn chuyên ngành dạy bằng tiếng Nhật hoàn toàn như: Quan hệ kinh tế quốc tế, Kế toán, Nghiệp vụ ngoại thương, Đàm phán thương mại…
Điều này đã nói lên sự khác biệt về ngành ngoại ngữ của trường ĐH Ngoại thương có tính chất thương mại và kinh tế rất đậm nét so với ngành ngoại ngữ của các trường đại học khác.
Đặc biệt, các thầy cô trong các khoa ngoại ngữ rất cố gắng để sinh viên có thể vừa học và vừa thực hành thông qua các chương trình thực tế, thực tập hoặc học theo các dự án”, đại diện các khoa ngoại ngữ trường ĐH Ngoại thương chia sẻ tại chương trình.
Thí sinh tại Ngày hội tuyển sinh 2018 ĐH Ngoại thương. Ảnh: Huyền Trần |
- Trường ĐH Ngoại thương có chương trình liên kết đào tạo với những quốc gia nào? Nếu em muốn lựa chọn theo chương trình của Anh và Mỹ thì có sự lựa chọn nào hay không?
PGS.TS Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế đã giải đáp thắc mắc này.
“Hiện nay, trường ĐH Ngoại thương đang có chương trình liên kết với rất nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan, Đan Mạch. Do đó có rất nhiều sự lựa chọn cho em khi là sinh viên của trường.
Nhưng điều này cũng đòi hỏi ở em sự bền bỉ, kiên trì bởi việc học các chương trình liên kết này hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Những em có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế Ielts 5.5 sẽ được vào học thẳng chương trình chính khóa mà không phải học dự bị đại học. Còn đối với những em rất muốn học chương trình liên kết quốc tế nhưng chưa có ngoại ngữ thì các bạn sẽ có cơ hội 1 năm để ôn luyện, cải thiện về ngoại ngữ của mình.
Đối với những em mong muốn học chương trình liên kết bằng tiếng Nhật thì các bạn sẽ có 1,5 năm để học tiếng Nhật ở trường ĐH Ngoại thương và chuyển tiếp sang Nhật học 3 năm để lấy bằng đại học của trường đối tác. Học phí ưu đãi, các em sẽ có cơ hội được nhận học bổng tối thiểu là 50% cho chương trình học này”, PGS.TS Hồ Thúy Ngọc cho biết.
Ngành Kinh tế đối ngoại và Kinh doanh quốc tế khác nhau thế nào?
“Điểm khác nhau giữa ngành Kinh tế đối ngoại và Kinh doanh quốc tế là gì?” |
Thí sinh thắc mắc học quản trị kinh doanh có phải ra trường làm giám đốc?
“Các thầy cô cho em hỏi học ngành Quản trị kinh doanh ở trường Ngoại thương thì cụ thể là học gì? Và ra trường ... |
Không biết gì về máy tính có nên thi ngành công nghệ thông tin?
“Em rất muốn theo học ngành công nghệ thông tin nhưng em chưa biết nhiều về máy tính. Vậy em có nên thi vào ngành ... |