Truyền cho trẻ tình yêu với khoa học là điều không dễ, dạy chúng thói quen rửa tay thậm chí còn khó hơn. Một giáo viên tại bang North Carolina (Mỹ) đã làm được cả 2 điều này chỉ với thí nghiệm nhỏ.
Hình ảnh 3 lát bánh mì được đăng tải trên trang Facebook cá nhân của cô giáo. |
Theo một bài viết đang "gây bão" trên Facebook, Cô giáo Donna Gill Allen đã thực hiện thí nghiệm trước các học sinh trong lớp và cho chúng thấy tầm quan trọng của việc rửa tay thường xuyên. Để chứng minh, cô sử dụng 3 lát bánh mì đặt vào túi khác nhau. Lát bánh đầu tiên được cho vào túi bằng găng tay, lát bánh thứ 2 được cầm bằng tay đã rửa sạch và lát cuối được truyền lần lượt qua tay các học sinh trong lớp trước khi đưa vào túi lưu. Cả 3 túi sau đó được dán nhãn lần lượt gồm "được kiểm soát", "tay đã rửa" và "tay bẩn".
Sau một khoảng thời gian, miếng bánh trong túi "được kiểm soát" và "tay đã rửa" cho thấy không có nhiều dấu hiệu thay đổi. Trái lại, túi với nhãn "tay bẩn" bị bao phủ bởi nấm mốc, có dấu hiệu phân hủy do vi khuẩn từ tay trẻ phát triển. Cô Allen cho biết, thí nghiệm về bánh mì và vi khuẩn là cách hấp dẫn để giáo dục trẻ về tầm quan trọng của việc rửa tay đồng thời truyền cho chúng tình yêu với khoa học.
Phương pháp giảng dạy trên đã nhận được sự tán dương của cộng đồng mạng, không chỉ với bọn trẻ mà còn cho thấy tầm quan trọng của các vật dụng bảo hộ trong nghiên cứu khoa học. Một số bình luận khác cho rằng, người lớn cũng nên xem để tăng nhận thức về việc rửa tay thường xuyên.