Tham dự buổi họp báo có Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Phương, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh cùng đại diện các Cục, Vụ có liên quan.
Môn toán thi trắc nghiệm hoàn toàn
Theo đó, thay vì tổ chức 2 cụm thi ở mỗi tỉnh như năm 2016, ở kỳ thi THPT Quốc gia 2017 sẽ giao cho các Sở GD&ĐT tổ chức một cụm thi để thí sinh có thể tự do lựa chọn địa điểm đăng ký thi cho phù hợp.
Đại diện Bộ GD&ĐT trong buổi họp báo (Ảnh: Nhật Cường). |
Về nhân sự cũng sẽ do các Sở chủ động bố trí trong công tác tổ chức thi. Phía Bộ cũng sẽ cử cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ về địa phương để phối hợp và hỗ trợ tổ chức thi.
Về bài thi, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tổ chức cho các thí sinh thi 5 bài. Trong đó, có ba bài thi độc lập gồm các môn Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ. Hai bài thi tổ hợp gồm: Khoa học tự nhiên (tổ hợp Hóa học, Vật lý, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp Lịch sử, Địa lý đối với giáo dục thường xuyên).
Các bài thi tổ hợp gồm có: Điểm toàn bài thi để phục vụ công nhân tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới; Điểm từng môn thành phần để xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo khối thi truyền thống.
Về hình thức thi, ngoại trừ môn Ngữ Văn thi theo hình thức tự luận trong thời gian 120 phút, các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng và bài thi sẽ được chấm tự động bằng máy, đảm bảo độ chính xác cao.
Đặc biệt, môn Toán được thi trắc nghiệm hoàn toàn với 50 câu hỏi trong thời gian 90 phút.
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận với 120 phút làm bài.
Môn Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài 60 phút.
Đối với hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sẽ gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi môn cấu phần tổ hợp bài thi 40 câu. Thời gian làm bài thi của hai môn này là 150 phút.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, đề thi các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng từ nhiều năm qua.
Đồng thời, theo phương án thi cũng nêu: Nội dung thi năm 2017 đều nằm trong chương trình lớp 12 cấp THPT; Tới năm 2018 nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 cấp THPT; Còn từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.
Về thời gian thi sẽ được bố trí trong hai ngày của tháng 6/2017. Cụ thể:
Ngày thứ nhất: Sáng thi bài thi Ngữ văn; chiều thi bài thi Khoa học tự nhiên.
Ngày thứ hai: Sáng thi bài thi Toán, Ngoại ngữ; chiều thi bài thi Khoa học xã hội.
Rút ngắn thời gian thi chỉ trong 2 ngày
Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng trả lời một số thắc mắc của phóng viên liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi Quốc gia năm 2017.
Ông Bùi Văn Ga khẳng định, đến khoảng đầu tháng 10 Bộ sẽ công bố đề thi minh họa cho các giáo viên và các em học sinh làm cơ sở để tổ chức dạy và ôn thi. Thi trắc nghiệm không có gì mới mẻ bởi từ 10 năm nay, nhiều môn thi đã được thi bằng hình thức này.
Ông Mai Văn trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng trả lời câu hỏi của PV (Ảnh: Nhật Cường). |
Trong quá trình học, bộ giao các trường tổ chức thi học kỳ cho học sinh bằng cả hai phương án thi tự luận và trắc nghiệm, không loại trừ môn Toán.
Ngoài ra, từ năm 2013, Bộ đã giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội thí điểm tuyển sinh bằng bài thi trắc nghiệm để đánh giá năng lực với hàng trăm nghìn thí sinh. Kết quả cho thấy tốt, có sự tương đồng với bài thi kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, từ thời điểm này đến tháng 5/2017 thì sẽ xây dựng các ngân hàng câu hỏi tương đối lớn và vừa kế thừa sản phẩm là ngân hàng đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội. Bộ tin tưởng lượng câu hỏi sẽ đủ lớn để vừa đảm bảo đủ số lương mỗi học sinh mỗi học sinh 1 đề và sự trùng lặp câu hỏi chỉ khoảng 20%.
Cũng theo ông Trinh, trong đề thi 2017 khối lượng kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp THPT khoảng 60%. Còn kiến thức cơ bản phục vụ cho xét tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ khoảng 40%. Trong quá trình làm đề thi sẽ có cân bằng sao cho hợp lý.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, sau khi công bố dự thảo, Bộ nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các thầy cô giáo. Đa số tán thành cho rằng phương án thi năm nay gọn nhẹ, giảm thời gian thi từ 4 xuống còn 2 ngày, nhẹ nhàng cho cả thí sinh và bộ máy tổ chức, tăng tính nghiêm túc, công bằng bởi tổ chức 4 bài thi trắc nghiệm và chấm bằng máy.
Về thi trắc nghiệm môn Toán, ông Ga giải thích mục đích kỳ thi không phải là tuyển chọn nhân tài, mà là xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng nên thi theo hình thức nào cũng được. Nhưng kỳ thi có số thí sinh lớn, phạm vi rộng nên tổ chức thi trắc nghiệm để đảm bảo khách quan và hạn chế tiêu cực.
Kết quả thi sẽ được sử dụng ra sao?
Theo phương án Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT cập nhật kết quả thi lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chung của Bộ, công bố kết quả thi và cấp cho mỗi thí sinh một giấy chứng nhận kết quả thi.
Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh hệ THPT sẽ phải thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn, hoặc Khoa học tự nhiên, hoặc Khoa học xã hội.
Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức, Nhật. Các thí sinh có thể dự thi cả 5 bài để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Điểm bài nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp.
Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi 3 bài gồm 2 bài bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn: Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài, điểm bài thi tự chọn nào cao hơn thì sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp.
Nếu có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng, học sinh có thể chọn thi thêm bài Ngoại ngữ. Thí sinh tự do thi để xét tuyển đại học chọn các bài thi hoặc môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường.