Thị trường bất động sản phía Nam vào vụ mới

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phía Nam bắt đầu chào bán dự án mới.
Thị trường bất động sản phía Nam vào vụ mới - Ảnh 1.

Khách xem căn hộ mẫu tại dự án Phú Đông 3 của Phú Đông Group.

Hàng loạt dự án chào bán

Đầu tháng 5, VinGroup thông báo chính thức bán 2.000 căn khu biệt thự, nhà phố mang tên The Manhattan tại Khu đô thị Vinhomes River Park tại quận 9, TP HCM. Khu biệt thự, nhà phố này có diện tích hơn 50 ha, mật độ xây dựng là 25%.

Tập đoàn Vạn Phúc thì cho biết, đã chính thức mở bán thêm 30 căn nhà phố thương mại tại Dự án Van Phúc City tại Quốc lộ 13, quận Thủ Đức. Dự án có diện tích 198 ha, được bán từ năm 2016 tới nay.

Tương tự, Tập đoàn Kiến Á cũng vừa thông báo mở bán Dự án chung cư City Grand tại quận 2, quy mô 2 block cao 25 tầng với 800 căn hộ, giá chào bán khoảng 2 tỉ đồng/căn hộ.

Trần Anh Group mới đưa ra thông báo mở bán dự án biệt thự West Lakes Golf & Villas (tỉnh Long An). Dự án có diện tích 120 ha, với hơn 400 căn biệt thự, giá bán từ 3 tỉ đồng/căn.

Novaland cũng đang rầm rộ mở bán giai đoạn I, Dự án Aqua City tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), với hơn 1.000 sản phẩm nhà phố, biệt thự.

Một nhà đầu tư khác là Công ty Phú Đông Group vừa hoàn thiện nhà mẫu dự án Phú Đông 3 tại TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Theo chủ đầu tư, dự án sẽ mở bán vào thời gian tới, số lượng căn hộ lên tới hơn 600 căn, giá bán dự kiến 2 tỉ đồng/căn.

Các doanh nghiệp như Đất Xanh Group, Hưng Thịnh Corp, Cát Tường Group, City Land, Asian Holding… cũng cho biết đang bán các dự án tại Đồng Nai, Bình Phước, TP HCM, Quy Nhơn, Bình Dương. Dòng sản phẩm chủ yếu là chung cư và nhà phố.

Thị trường hồi sinh

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hà Đô cho rằng, nhìn vào lượng dự án chào bán trong tháng 5, có thể thấy, đa phần là dòng sản phẩm cao cấp, trong khi nhu cầu nhà ở tại các tỉnh phía Nam vẫn là dòng sản phẩm tầm trung dưới 2 tỉ đồng.

Ngoài ra, lượng sản phẩm chào bán tại TP HCM khá hạn chế, các doanh nghiệp lớn như Hưng Thịnh Corp, Novaland… dù có quỹ đất lớn tại TP HCM, nhưng đang nằm trong danh sách các dự án vướng pháp lý chờ được “giải cứu”, nên chưa thể triển khai.

“Lượng dự án ra hàng ít, trong khi nhu cầu nhà ở hiện nay tại TP HCM khá cao, dễ dẫn đến tình trạng sốt giá”, ông Tuấn nói.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty tư vấn bất động sản CBRE nhận định, thị trường sẽ chính thức hồi sinh trong quý III/2020, với số lượng khoảng 42.000 căn hộ của các dự án mới, nằm trên địa bàn các quận ven thành phố.

“Giá sơ cấp sẽ tăng nhẹ, trong đó phân khúc hạng sang sẽ duy trì tốc độ tăng giá 10% theo năm do khan hiếm nguồn cung. Phân khúc cao cấp và trung cấp sẽ tăng chậm hơn do có thêm nguồn cung mới và năm 2019 đã thiết lập mặt bằng giá mới. Mức tăng giá tại hai phân khúc này lần lượt là 6% và 5% theo năm. Phân khúc bình dân duy trì mức tăng giá 3% theo năm”, đại diện CBRE dự báo.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư, Savills Việt Nam, nút thắt lớn nhất của các doanh nghiệp địa ốc và thị trường trong những năm gần đây là vấn đề về pháp lý. Nếu nút thắt này được giải quyết, các quỹ đất được thông qua cho phát triển lại thì thị trường sẽ hồi phục mạnh mẽ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&B Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản DKRA Việt Nam bổ sung, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ, đầu tiên là về tài chính, thuế để giảm bớt khó khăn trước mắt. Hỗ trợ tiếp theo là cơ chế chính sách để nguồn cung mới được dồi dào hơn, đáp ứng nhu cầu người mua và ổn định giá bán.

UBND TP HCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng theo dõi diễn biến của thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn. Đồng thời, Sở tham mưu giải quyết chuyển đổi đối với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho, hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn...

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.