Các doanh nghiệp bất động sản đang sở hữu bao nhiêu tiền để bước qua mùa dịch Covid-19?

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp sở hữu nguồn tài chính chủ động lớn sẽ có ưu thế duy trì hoạt động kinh doanh và tận dụng cơ hội để bứt phá khi dịch bệnh qua đi.

Hệ sinh thái Vingroup dẫn đầu về nguồn tài chính, nhóm khu công nghiệp có tận dụng được “nhịp nghỉ” của thị trường?

Trước những ảnh hưởng từ dịch bênh và thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản ghi nhận quí I/2020 trầm lắng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt với nguồn tiền mặt lớn sẽ nắm giữ ưu thế trong việc duy trì hoạt động kinh doanh.

Thậm chí, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá đi lên sau dịch bệnh nếu tận dụng được "nhịp nghỉ" của thị trường để chuẩn bị và bồi dưỡng lực lượng, nâng cấp công nghệ, xác định chiến lược lâu dài. Một trong những yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn này là nguồn tài chính chủ động.

Các doanh nghiệp bất động sản đang sở hữu bao nhiêu tiền để bước qua mùa dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Vinhomes Smart City. (Ảnh: Vinhomes).

Nguồn tiền chủ động bao gồm các khoản tiền mặt, tương đương tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn mà doanh nghiệp nắm giữ. Đây là những khoản đảm bảo cho khả năng chi trả, thanh toán của công ty tại thời điểm thống kê, cho thấy một phần sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Thống kê các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Top20 doanh nghiệp hiện sở hữu nguồn tiền chủ động lớn nhất từ những "ông lớn" trong ngành bất động sản dân dụng như nhóm công ty "họ Vingroup", Novaland, Nhà Khang Điền, Nam Long cho đến các công ty dẫn đầu ngành bất động sản khu công nghiệp như Đầu tư Sài Gòn VRG, Kinh Bắc, Nam Tân Uyên,…

Các doanh nghiệp bất động sản đang sở hữu bao nhiêu tiền để bước qua mùa dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Kết thúc quí I/2020, Vingroup (VIC) tiếp tục giữ vững vị thế đầu ngành với số lượng tiền và các khoản tương đương đạt gần 20.500 tỉ đồng, trong đó đã bao gồm lượng tiền mặt của Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE). Con số này cao gấp 4,8 lần nguồn tiền của doanh nghiệp theo sau đó là Novaland.

Tập đoàn Vingroup ghi nhận dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh trong ba tháng đầu năm âm 10.100 tỉ đồng, đến từ lãi hoạt động đầu tư, giảm hàng tồn kho, trả lãi vay cũng như nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tập đoàn tiếp tục chi mạnh vào xây dựng, mua sắm tài sản cố định, do đó lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 7.000 tỉ đồng.

Bên cạnh nhóm công ty thuộc hệ sinh thái Vingroup, Novaland (NVL) cũng là một trong những doanh nghiệp sở hữu nguồn tiền mạnh với 4.300 tỉ đồng. Doanh nghiệp này mới đây đã nhận giải ngân 101 triệu USD từ khoản vay hợp vốn quốc tế có tổng trị giá 250 triệu USD.

Theo Novaland, việc nhận khoản tài trợ lớn từ các ngân hàng thương mại quốc tế sẽ giúp tập đoàn mở rộng quĩ đất, xây dựng và phát triển các dự án. Từ đó, giúp doanh nghiệp chủ động đa dạng hóa các kênh huy động vốn với chi phí hợp lí.

Cùng cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản dân dụng, Nhà Khang Điền (KDH) và Nam Long (NLG) đều vững chân trong Top10 về nguồn tiền chủ động, giá trị tương ứng gần 1.600 tỉ đồng và 1.500 tỉ đồng. Ngoài ra, các công ty như Đất Xanh hiện cũng nắm giữ nguồn tiền khoảng 1.300 tỉ đồng, Tập đoàn Hà Đô (1.200 tỉ đồng) và CEO (1.100 tỉ đồng).

Trong khi đó, tại mảng bất động sản khu công nghiệp, Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) dẫn đầu về nguồn tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính với giá trị hơn 4.000 tỉ đồng. Ngoài ra, theo chứng khoản BSC, hệ số Nợ ngân hàng/vốn chủ sở hữu của ngành này có mức trung bình đạt 0,13 trong khi hệ số này của Sài Gòn VRG vào khoảng 0,21 cho thấy doanh nghiệp không có nhiều áp lực trả nợ và lãi vay.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) nắm giữ hơn 2.540 tỉ đồng nguồn tiền chủ động. Doanh nghiệp này hiện sở hữu quĩ đất KCN vào khoảng gần 800 ha diện tích thương phẩm dự kiến bảo đảm cho doanh thu của doanh nghiệp này trong dài hạn. Về dài hạn, Kinh Bắc có kế hoạch xin trình khu KCN mới là Bình Giang – Hưng Yên (900 ha), dự kiến phát triển quĩ đất KCN lên 1.700 ha.

Nguồn tiền chủ động của các doanh nghiệp ảnh hưởng ra sao sau dịch Covid-19?

Xét trong Top20 doanh nghiệp bất động sản có lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính lớn nhất, Đô thị Kinh Bắc gây chú ý với tỉ lệ tăng trưởng nguồn tiền chủ động trong ba tháng đầu năm lên tới 288%, từ 656 tỉ đồng lên 2.543 tỉ đồng.

Theo BCTC hợp nhất quí I/2020, nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng trên là khoản đầu tư ngắn hạn vào Công ty TNHH MTV Khách sạn Hoa Sen trị giá 1.855 tỉ đồng cùng tiền gửi ngân hàng có kì hạn 2,6 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp bất động sản đang sở hữu bao nhiêu tiền để bước qua mùa dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Bên cạnh Kinh Bắc, Tập đoàn Hà Đô cũng ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng 159% cho các khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính. Ghi nhận vào thời điểm 31/3, nguồn tiền chủ động của công ty đã tăng lên 1.160 tỉ đồng từ con số 448 tỉ đồng đầu kì.

Theo thuyết minh BCTC, khoản trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi của Hà Đô tăng gấp đôi đầu năm, tiền gửi ngân hàng có kì hạn cao gấp 3 lần, ngoài ra khoản tương đương tiền gấp tới 9 lần đầu kì.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng có tăng trưởng trong nguồn tiền chủ động như Vincom Retail (45%), Nhà Khang Điền (32%), Long Hậu (30%)…

Ngoài những công ty ghi nhận diễn biến tích cực trong nguồn tiền, một số doanh nghiệp bất động sản khác lại có sự sụt giảm rõ rệt. Đơn cử, mặc dù nằm trong Top3 nhóm doanh nghiệp nắm giữ nguồn tiền chủ động lớn, Novaland ghi nhận tỉ lệ giảm 38% lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính.

Theo đó, chỉ trong ba tháng đầu năm, các khoản tương đương tiền của công ty giảm 1.162 tỉ đồng, đồng thời khoản tiền gửi ngân hàng cũng giảm 1.428 tỉ đồng. Ngoài ra, lượng tiền mặt và giá trị các khoản tiền gửi có kì hạn đều giảm đi.

Về kết quả kinh doanh trong quí I, Novaland thu về 1.926 tỉ đồng từ hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ và hoạt động chuyển nhượng dự án. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 489 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 303 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kì 2019.

Cùng thuộc hệ sinh thái Vingroup, trong khi Vincom Retail báo tăng về nguồn tiền thì Vinhomes và công ty mẹ là Tập đoàn Vingroup lần lượt giảm 37% và 29% so với đầu năm.

Trong ba tháng đầu năm, do các lĩnh vực kinh doanh chính của Vingroup như bất động sản, công nghiệp, TTTM, nghỉ dưỡng du lịch... đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch khiến doanh thu thuần của tập đoàn giảm 30% so với cùng kì. Mặc dù ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính hơn 8.900 tỉ đồng do bán khoản đầu tư vào công ty con đang sở hữu dự án bất động sản, lãi ròng của Vingoup vẫn giảm 50% so với năm ngoái, đạt 505 tỉ đồng.

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Đạt Phương: Mục tiêu lãi 343 tỷ đồng, tìm thêm dự án bất động sản công nghiệp
Năm 2024, Đạt Phương đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 4.566 tỷ đồng và lãi sau thuế 343,5 tỷ đồng. Với mảng bất động sản, năm nay Đạt Phương sẽ tập trung triển khai khu đô thị Cồn Tiến và Casamia Hội An, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án công nghiệp.