Thị trường BĐS sụt giảm nguồn cung, Chủ tịch HoREA: Cần sớm kết luận để dự án thuộc diện phải rà soát được tiếp tục triển khai

Trước tình trạng thị trường BĐS bị sụt giảm nguồn cung, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng cần sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra để có thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Thị trường sụt giảm nguồn cung dự án nhà có giá vừa túi tiền

Theo nhận định của nhiều công ty môi giới bất động sản và các hiệp hội BĐS, thị trường bất động sản TP HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Đã có nhiều dự án nhà ở bị "đứng hình" do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.

Thị trường BĐS sụt giảm nguồn cung, Chủ tịch HoREA: Cần sớm có kết luận để dự án thuộc diện phải rà soát được tiếp tục triển khai - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Zing.vn).

Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), từ ngày 10/12/2015 đến tháng 08/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quĩ đất hỗn hợp bị "ách tắc" các thủ tục đầu tư, dù đã có "Quyết định chủ trương đầu tư" của UBND TP nhưng không làm được thủ tục phê duyệt qui hoạch chi tiết 1/500 để làm các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo.

Từ ngày 07/03/2017, đã có 158 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quĩ đất công, đã bị tạm dừng để được rà soát các thủ tục đầu tư đã được thực hiện trước đây. Đến tháng 3/2019, các cơ quan chức năng đã công bố cho phép 124 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường. 

Theo HoREA, việc rà soát là rất cần thiết nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.

Cũng theo Hiệp hội này, năm 2018, nguồn cung dự án nhà ở mới bị sụt giảm mạnh, giảm 42% số lượng dự án, giảm 40% về số lượng căn hộ so với năm 2017; Số lượng dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn giảm 16,31% về số lượng dự án và giảm 34,14% về số lượng căn nhà so với năm 2017.

Và đáng lưu ý, năm 2019, nguồn cung dự án nhà ở mới tiếp tục bị sụt giảm sâu, tương tự như năm 2018.

"Tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng đem lại lợi nhuận lớn cho các chủ đầu tư có dự án, nhưng lại làm cho khách hàng bị thiệt vì phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đánh giá.

Liên quan đến vấn đề mua nhà ở tại TP HCM, ông Phạm Lâm, TGĐ Công ty DKRA Việt Nam cho rằng, với thu nhập 15 triệu đồng/tháng, người trẻ phải chi 9 triệu làm sinh hoạt phí, tích lũy 6 triệu đồng/tháng thì một năm còn dư được 72 triệu đồng.

Theo đó, nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỉ đồng (căn hộ rẻ nhất hiện nay) thì người trẻ phải mất khoảng 20 năm. Nhưng lúc đó, giá nhà đã không còn đứng yên ở mức 1,5 tỉ đồng/căn mà có lẽ đã tăng gấp mấy trăm phần trăm.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ kênh thông tin batdongsan.com.vn mới đây đã dẫn số liệu của Navigos 2019 về thu nhập bình quân của một số vị trí ngành nghề tại Hà Nội và TP HCM năm 2018 và so sánh với giá một căn hộ (khoảng 2 tỉ đồng, rộng 70 m2, hai phòng ngủ). 

Kết quả cho thấy, giá căn hộ cao gấp 28 lần đối với thu nhập của người mới ra trường (72 triệu đồng/năm), 17 lần thu nhập của một nhân viên có kinh nghiệm (120 triệu đồng/năm), 10 lần thu nhập của người ở vị trí trưởng nhóm hoặc giám sát (192 triệu đồng/năm) và 7 lần thu nhập của người ở vị trí trưởng phòng hoặc quản lí (264 triệu đồng/năm).

Theo vị Phó TGĐ batdongsan.com.vn, giá nhà tại trung tâm luôn cao hơn nhiều so với thu nhập.

Giải pháp nào?

Hôm nay, 23/9, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2019, ông Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường bất động sản hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kì phục hồi và tăng trưởng. 

Thị trường BĐS sụt giảm nguồn cung, Chủ tịch HoREA: Cần sớm có kết luận để dự án thuộc diện phải rà soát được tiếp tục triển khai - Ảnh 2.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu. (Ảnh: Văn Nguyện/Zing).

Theo ông Châu, thị trường bất động sản TP HCM rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số qui phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. 

"Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có "độ trễ", nếu Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương không có biện pháp xử lí sớm các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, làm cho "giấc mơ tạo lập nhà ở ngày càng xa vời" đối với đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, nhất là giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp", ông Châu nói.

Vị Chủ tịch của HoREA đã kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở và sớm ban hành "Qui chuẩn xây dựng Việt Nam". 

Nhưng văn bản này sẽ góp phần giải quyết ngay các vướng mắc về pháp lí đối với dự án nhà ở có quĩ đất hỗn hợp, xen kẹt đất thuộc Nhà nước quản lí, để làm tăng nguồn cung dự án nhà ở, nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, trong đó có condotel.

Ngoài ra, ông Châu cho rằng cần sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung hoặc được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản.

chọn
ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh số 2024 dự kiến 90.000 - 110.000 tỷ, dự án Đông Anh và Đan Phượng đang làm thủ tục pháp lý
Năm 2024, dự kiến doanh số Vinhomes sẽ tăng trưởng so với 2023, đạt khoảng 90.000 - 110.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vinhomes Ocean Park 2, 3, dự án mới Vũ Yên và 1 - 2 dự án mới khác.