Sáng 7/6, hơn 94.000 thí sinh tại Hà Nội chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT với bài thi môn Ngư văn. Tại một số điểm thi có khá nhiều em ra về trước khi hết giờ làm bài.
Th.sĩ Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B. Ảnh tư liệu: Đình Tuệ. |
Theo Th.sĩ Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) chia sẻ: "Đề Ngữ văn năm nay khó và khá hay. Bởi, đề kiểm tra được khá toàn diện về kiến thức văn học, kiến thức ngữ pháp và từ vựng ( từ Hán Việt). Đề còn kiểm tra vốn văn học của học sinh khi yêu cầu học sinh ghi lại những câu thơ của Hồ Chí Minh viết về hình ảnh con thuyền trong đêm trăng. Đề kiểm tra kỹ năng tạo lập văn bản ở cả 2 lĩnh vực: Nghị luận văn học và Nghị luận xã hội.
Vấn đề Nghị luận xã hội đề đặt ra rất gần gũi và thiết thực đối với học sinh đặc biệt trong giai đoạn xã hội đang có những xáo trộn trong suy nghĩ về những giá trị của gia đình. Nhìn chung đề Ngữ văn thi vào lớp 10 của Hà Nội năm 2018 tương đối chặt chẽ, kiểm tra được khá toàn diện kiến thức và kỹ năng của học sinh. Vì đề tương đối khó nên phổ điểm chủ yếu sẽ là 6 - 7. Điểm 8 và 9 chỉ giành cho những thí sinh có học lực thực sự khá, giỏi và tư duy tốt".
Còn theo tổ Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi, so với đề thi năm 2017 và các năm trước, đề thi môn Ngữ văn năm 2018 vẫn giữ nguyên cấu trúc nội dung cũng như cách phân bố điểm cho từng phần. Mỗi phần đều có sự tích hợp giữa kiến thức của tác phẩm Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn.
Phần I: Đề hỏi về bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận. Tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp giàu của biển đảo, quê hương và tinh thần lao động hăng say của những ngư dân bám biển. Đề thi năm nay mặc dù không có yêu cầu chép thuộc văn bản nhưng vẫn có câu hỏi (câu 1) yêu cầu học sinh phải tái hiện kiến thức.
Các thí sinh lớp 9 làm bài thi môn Ngữ văn trong 120 phút theo hình thức tự luận vào sáng 7/6. Ảnh: Đình Tuệ. |
Câu 2 hỏi về trường từ vựng, biện pháp tu từ đều là những kiến thức rất quen thuộc với các thí sinh. Câu 3 yêu cầu các em phải nhớ kiến thức của chương trình Ngữ văn 8 với bài thơ "Rằm tháng giêng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu 4 là câu có điểm số lớn nhất của cả bài thi thuộc phần nghị luận văn học.
Các em cần viết đoạn văn theo mô hình diễn dịch để phân tích hình ảnh người lao động trong khổ thứ 6 của bài thơ. Để đạt điểm tối đa của câu hỏi này, các em không chỉ phải phân tích kĩ càng nội dung đoạn thơ mà cần thực hiện đúng các yêu cầu phụ về hình thức đoạn văn và các yêu cầu Tiếng việt đi kèm.
Phần II: Đề hỏi về tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ. Câu hỏi giải thích từ “tiên nhân” có thể sẽ gây khó khăn cho thí sinh nếu không đọc kĩ văn bản. Câu nghị luận xã hội của đề yêu cầu bàn về vai trò của gia đình. Đây là chủ đề rất quen thuộc với các thí sinh nên nhiều bạn sẽ làm tốt câu hỏi này.
Với nội dung và cấu trúc như vậy, học sinh không cần phải học thuộc lòng và ghi nhớ quá nhiều mà chỉ cần hiểu được nội dung của tác phẩm, có kĩ năng đọc hiểu văn bản và khả năng diễn đạt tốt thì có thể hoàn thành bài thi.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có tổng số thí sinh đăng ký dự thi nguyện vọng 1 là 94.964 em; nguyện vọng 2 là 89.602 em. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm học này chỉ là 63.050. Như vậy, hơn 30.000 thí sinh sẽ không có cơ hội vào cơ sở giáo dục công lập. Số lượng thí sinh sinh năm 2003 (tuổi Dê vàng) tăng lên khoảng 20.000 em nên đây được đánh giá là kỳ thi khốc liệt không kém cạnh so với thi đại học.
Chiều nay, các thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài là 120 phút, tính giờ làm bài từ 14h30.
Làm thủ tục thi vào lớp 10: Vẫn còn nhiều thí sinh quên mang theo phiếu báo thi
Sáng nay (6/6), công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất tại các điểm thi vào lớp 10 tại Hà Nội đã được hoàn ... |
Sát ngày thi vào lớp 10, học sinh Hà Thành rủ nhau tới Văn Miếu cầu may
Một ngày trước khi tới điểm thi làm thủ tục và nghe quy chế thi vào lớp 10, nhiều thí sinh đã cùng với phụ ... |