Đó là thiết bị hỗ trợ học chữ nổi “5 trong 1” cho người khiếm thị được Nguyễn Duy Hùng, 22 tuổi, Khoa kỹ thuật Điện - Điện tử, trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng chế tạo.
Khi được chúng tôi hỏi về ý tưởng, Hùng cho biết, trong một chuyến đi tình nguyện về trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Đà Nẵng, Hùng được biết đến phương pháp học tập của người khiếm thị là dựa trên hệ thống chữ nổi.
Tuy nhiên để nhớ hết cũng như viết được tất cả ký tự chữ nổi thì rất khó khăn đối với những người bắt đầu mới làm quen, đặc biệt là trẻ khiếm thị.
“Tôi thấy ở các em sự quyết tâm và hoài bão rất lớn. Các em muốn có thể tự lập trong học tập và công việc sau này không phải phụ thuộc với người thân. Đối với một người kỹ thuật như tôi, đó là một điều đáng suy nghĩ và trăn trở để tôi đi tìm một giải pháp giúp người khiếm thị dễ dàng hơn trong việc học chữ nổi”, Hùng giãi bày.
Thiết bị hỗ trợ học chữ nổi “5 trong 1” cho người khiếm thị do Hùng chế tạo. Ảnh: Văn Luận |
Tháng 11/2016, Hùng bắt đầu lên ý tưởng về một thiết bị hỗ trợ học chữ nổi cho người khiếm thị. Mỗi khi có thời gian rảnh, Hùng tìm đến gặp gỡ những người khiếm thị nghe họ chia sẻ, đồng thời tìm hiểu bảng chữ nổi Braille.
Hùng chia sẻ, về các mạch điện, lập trình, mẫu mã vỏ thiết bị thì Hùng tự thiết kế trên phần mềm trước. Khó khăn nhất trong quá trình chế tạo là việc gia công cơ khí cho hệ thống kích nổi điểm nổi để nhỏ gọn nhất vì bản thân Hùng học chuyên nghành điện.
“Sau nhiều tháng tập trung làm, cho tới bây giờ thiết bị đã nâng cấp lên phiên bản thứ 3. Qua nhiều lần khảo sát người dùng tôi thêm nhiều tính năng tích hợp vào. Đặc biệt là tính năng tính toán thì có thể tính toán nhiều phép tính phức tạp có nhiều chữ số và kết quả phát ra loa một cách rõ ràng”, Hùng nói.
Hùng giới thiệu, thiết bị hiện tại hoàn hảo với 5 tính năng cơ bản gồm: Nhắc chữ và tập cảm nhận chữ nổi; tập viết chữ nổi; tính toán các phép tính; xem đồng hồ và giải trí lúc người khiếm thị học tập mệt mỏi cần thư giãn.
Người khiếm thị đang dùng thiết bị hỗ trợ học chữ nổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Về tính năng nhắc chữ và tập cảm nhận chữ, người học chỉ cần nói ra chữ cái ở micro, hệ thống sẽ nhận dạng giọng nói và tự động kích nổi các ký tự nổi trên mặt thiết bị để người dùng cảm nhận (sờ vào) và ghi nhớ.
Với tính năng tập viết chữ nổi, người học sẽ chấm bút xuống bảng viết điện tử. Khi bút tiếp xúc các lỗ nối với tiếp điểm trên bảng viết, tín hiệu sẽ truyền về bộ điều khiển và phát ra âm thanh tương ứng với chữ cái. Từ đó người học sẽ kiểm soát được lỗi chính tả và ghi nhớ chữ cái cho những lần viết sau.
Tính năng tính toán cho phép người học sử dụng một bàn phím được in sẵn các ký tự nổi. Người học chỉ cần sờ vào các phím để cảm nhận con số mình cần tính rồi nhấn phím để máy phát ra âm thanh tương ứng. Kết hợp các phép tính, cuối cùng nhấn phím dấu và máy sẽ đọc kết quả.
Khi mệt mỏi trong việc học, người học xoay nút qua chế độ giải trí để nghe nhạc và học chữ từ các bài hát được cài đặt sẵn trong máy. Đồng thời, nghe báo giờ bằng âm thanh thông báo khi muốn biết thời gian cụ thể mà không cần hỏi nhờ ai khác.
Hùng dự định sẽ cải tiến mẫu mã thiết bị nhỏ gọn hơn, giảm giá thành sản phẩm để người khiếm thị có thể dùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Khi được chúng tôi hỏi thiết bị này có gì khác biệt so với các chế tạo khác trên thị trường hiện tại, Hùng giải thích: “Các thiết bị mà tôi tìm hiểu đều dành cho các đối tượng đã biết chữ nổi, như máy chuyển đổi chữ sáng sang chữ nổi và ngược lại, phần mềm đọc báo....Ở thiết bị của tôi thì đối tượng hướng tới là người mới học chữ nổi đặc biệt trẻ khiếm thị, đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất trong việc học chữ nổi (ghi nhớ bảng chữ, cảm chữ, viết chữ).
Thiết bị giúp các em tự học một các chủ động mà không quá phụ thuộc vào giáo viên và phụ huynh, Và có thể luyện tập nhiều kỹ năng như cảm chữ, viết chữ, luyện phát âm ngay trên cũng một thiết bị”.
Với chế tạo hữu ích trên, vừa qua Hùng được trao giải Nhất cuộc thi WEPICS2017 do USAID & HEEAP và Trường Đại Học Arizona State (Hoa Kì) tổ chức.
Trong thời gian tới, Hùng dự định sẽ cải tiến mẫu mã thiết bị nhỏ gọn hơn, giảm giá thành sản phẩm từ 1,5 triệu đồng xuống thấp hơn để người khiếm thị tiếp cận dễ dàng.
Sinh viên chế tạo robot cảnh báo sức khỏe cho người già |