Thúc đẩy tiến độ
Một trong những dự án trọng điểm đang được tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm là tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Theo đó, Dự án cao tốc được triển khai theo hình thức BOT được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 760/QĐ-TTg ngày 2/8/2024. Tuyến đường có 4 làn xe, đoạn qua Tây Ninh dài 26,3 km đi qua thị xã Trảng Bàng (11,3 km), huyện Gò Dầu (12,6 km) và huyện Bến Cầu (2,4 km).
Theo Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài là dự án hạ tầng quan trọng, góp phần thúc đẩy giao thương và liên kết vùng giữa Tây Ninh với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án chia thành 4 phần, trong đó tỉnh Tây Ninh thực hiện dự án thành phần 4 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng mức đầu tư 1.504 tỷ đồng. Hiện tại, các địa phương đã hoàn tất việc thông báo thu hồi đất đến 1.786 hộ dân và tổ chức, với tổng số 3.066 thửa đất; trong đó, 2.626 thửa của 1.874 hộ (tăng 88 hộ so với thống kê trước đó) đã được kiểm đếm, số còn lại đang được rà soát và lập phương án bồi thường.
Đồng thời, Tây Ninh cũng đang triển khai các phương án xử lý một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại nút giao Quốc lộ 22 (thuộc xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, phạm vi cuối tuyến của dự án). Với vướng mắc về đường điện 500kV Đức Hòa - Chơn Thành trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã thống nhất chủ trương di dời trụ điện T95 cách vị trí cũ 100m, kinh phí lấy từ nguồn bồi thường giải phóng mặt bằng dự án điện.
Song song với việc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Tây Ninh cũng đang tập trung các thủ tục pháp lý để triển khai dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. Theo đó, giữa tháng 3/2025, UBND tỉnh Tây Ninh đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đề xuất bố trí vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030 khoảng 2.534 tỷ đồng để đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, đoạn từ Gò Dầu đến Thành phố Tây Ninh). UBND tỉnh Tây Ninh cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án, sớm hoàn thành trước năm 2030.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, giai đoạn 1 có chiều dài 28 km, quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn, chiều rộng nền đường 25,25m, vận tốc thiết kế 120 km/h. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.500 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là 4.519 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư là 1.217 tỷ đồng.
Phương án tài chính do nhà đầu tư đề xuất, để đảm bảo phương án tài chính, vốn nhà nước tham gia vào dự án là 49,8% tổng mức đầu tư, giá trị tương ứng là 3.734 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư tham gia vào dự án là 50,2% tổng mức đầu tư, giá trị tương ứng là 3.766 tỷ đồng. Do nguồn lực của tỉnh còn hạn hẹp, tỉnh Tây Ninh chỉ cân đối được khoảng 1.200 tỷ đồng để tham gia vào dự án nên cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát có tổng chiều dài khoảng 65 km, quy mô 4 làn xe. Đây cũng là trục giao thông chính chạy dọc từ phía Bắc xuống phía Nam của tỉnh Tây Ninh, đồng thời kết nối với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế tỉnh Tây Ninh phát triển như: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh Tây Ninh, một số dự án trọng điểm khác cũng đang được tỉnh triển khai đồng bộ. Trong đó, dự án chỉnh trang đường Cách mạng tháng 8 với chiều dài 4,6 km, tổng mức đầu tư trên 391,4 tỷ đồng (thời gian thực hiện dự án từ 2023-2026), hiện tại chủ đầu tư đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu thi công xây lắp; Dự án đường Trường Chinh (đoạn từ ĐT.781 đến đường 30/4) với tổng mức đầu tư trên 1.170 tỷ đồng (thời gian thực hiện 2024 – 2027) đang triển khai các gói thầu xây lắp và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Tháo gỡ vướng mắc
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan quyết liệt đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để kịp tiến độ bàn giao cho các chủ đầu tư, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy trình thẩm định giá đất và phương án bồi thường.
Nhằm đảm bảo bàn giao mặt bằng tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài trước ngày 30/4/2025, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã thống nhất thành lập Tổ công tác đặc biệt. Đứng đầu là Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh, tổ công tác sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương như huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng và huyện Bến Cầu để thống nhất phương án giá đất, tạo sự đồng bộ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như đường Trường Chinh, Khu đô thị mới 49,86 ha tại phường Ninh Thạnh (Thành phố Tây Ninh), đồng thời rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công và đầu tư tư.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Thanh, UBND tỉnh đang tích cực điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021–2025, ưu tiên phân bổ vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án mới có thủ tục đầu tư hoàn chỉnh và các dự án có nhu cầu bổ sung vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Mục tiêu đặt ra là đến 30/6/2025 phải giải ngân đạt 50%, đến 30/9/2025 đạt 75% và hoàn thành 100% kế hoạch vào cuối năm.
Ngoài ra, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh cũng đề nghị Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư, nhất là tháo gỡ vướng mắc tại cảng Hưng Thuận và sớm hoàn chỉnh kế hoạch khai thác khoáng sản phục vụ các dự án trọng điểm; trong đó có cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu – Xa Mát.