Một dự án tại Thành phố mới Tân An (Long An) đang được nhân viên môi giới rao bán dọc đường.
Trên đường song hành Xa lộ Hà Nội quận 9, 3 nhân viên môi giới mang biển quảng cáo bán dự án đất nền tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương ra chào bán. Những nhân viên này ngồi vỉa hè, đợi người dân đi qua có nhu cầu tìm hiểu thông tin, họ sẽ tư vấn.
Tuấn, khoảng 25 tuổi mặc đồ vest đen - một trong 3 nhân viên trên cho biết, họ ngồi ở đây từ 9h sáng tới 6h tối mới thu đồ về.
“Chúng tôi bán ở đây đã 5 ngày, mỗi ngày cũng có khoảng 10 lượt khách hỏi thông tin và đã bán được 2 nền đất. Đây là tỉ lệ cao, bởi trước đây gọi điện thoại mời chào bán đất nền cả tháng, cũng không thể bán được một nền. Việc đứng ngoài đường này tuy vất vả, đội nắng, mưa, nhưng miễn bán được hàng là vui rồi”, Tuấn nói.
Không chỉ bán đất nền, mà ngay cả biệt thự, nhà phố cũng được nhân viên môi giới mang xuống đường để bán dạo.
Tại Khu đô thị Thành phố mới Tân An, tỉnh Long An, một dự án biệt thự đang mở bán cũng được các nhân viên môi giới mang ra đường Quốc lộ 1A để chào mời khách hàng lưu thông qua lại.
Anh Long, Giám đốc sàn bất động sản đang bán dự án này, cùng hơn 10 nhân viên của mình chia ra làm 6 tốp đứng ở khắp các ngả đường ở TP Tân An để chào bán hàng cho biết, cực chẳng đã mới phải ra đường đứng bán nhà.
“Ngày trước ra đường chỉ thấy người ta ngồi bán rau, bán thịt, cá. Giờ rau, thịt, cá người ta lên mạng online bán. Trước đây bán bất động sản chủ yếu bán online trên mạng, thì giờ lại được ra bạn dạo ngoài đường”, anh Long cho biết.
Thảo, một nhân viên môi giới đang bán dự án chung cư trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP HCM, cho biết hàng ngày công ty yêu cầu nhân viên mặc đồ vest ra ngoài đường, chỗ quanh dự án phát tờ rơi. Trời nắng nóng, khói bụi, mà mặc bộ vest rất khó chịu, nhưng đây là yêu cầu của công ty và không làm vậy sẽ rất khó bán được hàng.
Thảo cho biết thời buổi bán bất động sản khó khăn như hiện nay, câu chuyện xuống đường bán dạo là chuyện buộc phải làm.
“Có hôm gặp người quen cùng quê, họ hỏi trước học đại học ra sao giờ ra đường đứng bán bất động sản vậy. Có hôm gặp bạn cùng học đại học đi làm về, cũng chỉ biết nhìn nhau cười, vì nghề nào cũng là nghề”, Thảo nói.
Ông Mạc Văn Dũng, giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại quận 7, TP HCM cho biết, kể từ quý II/2019 đến nay, doanh thu bán hàng của công ty ông lao dốc không phanh. Năm 2017, doanh thu của công ty đạt trên 100 tỉ đồng, năm 2018 giảm còn 60 tỉ đồng và từ đầu năm 2019 tới nay, chỉ bán được hơn 30 tỉ đồng. Thậm chí, mỗi tháng, một tổ 10 nhân viên chỉ bán được 2 - 3 sản phẩm đất nền. Hơn 60% nhân viên 4 tháng nay không có giao dịch.
“Bán không được hàng, đồng nghĩa với việc thưởng Tết năm nay cũng sẽ bằng không”, ông Dũng nói.
Bà Lại Thị Trúc, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại quận Bình Thạnh, cho biết công ty bà năm 2019 bán một dự án có rổ hàng lớn nhất thị trường tại khu Đông TP HCM với hơn 13.000 sản phẩm. Tuy nhiên, dự án này không phải chỉ mình công ty bà bán, mà có tới hơn 60 sàn môi giới tham gia, nên từ đầu năm 2019 tới nay, 45 nhân viên môi giới của bà bán chỉ được khoảng 50 sản phẩm.
Tổng giám đốc một trong những doanh nghiệp môi giới lớn nhất TP HCM với hơn 2.000 nhân viên môi giới cho biết, năm 2017 công ty ra hàng 10.000 sản phẩm, tỉ lệ bán hết lên tới 90%, năm 2018 ra hàng 12.000 sản phẩm, bán hết 70%, còn năm 2019, chỉ chào bán hơn 4.000 sản phẩm, nhưng tỉ lệ hấp thụ cũng chỉ 60%. Bán ít đồng nghĩa với việc thưởng tết cũng sẽ ít.
“Năm 2017, mỗi nhân viên môi giới được thưởng ít nhất 15 triệu đồng, năm 2018 chỉ còn khoảng 10 triệu đồng, năm nay thì có lẽ sẽ không có thưởng Tết. Bởi hàng không bán được, chi phí hoạt động, trả lương hàng tháng cho nhân viên làm cho quỹ lương thưởng không đủ”, vị này cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tháng 12 sẽ là tháng mà các doanh nghiệp địa ốc tổng kết cuối năm và đưa ra mức thưởng cho nhân viên môi giới. Thế nhưng, từ đầu năm 2019 tới nay, tỉ lệ dự án mới mở bán, cũng như lượng hàng tiêu thụ rất thấp, nên nguy cơ dân môi giới địa ốc có thêm một cái Tết buồn đang hiện hữu.