Thu hút hàng trăm nghìn người tham gia với doanh thu nghìn tỉ, vì sao công ty đa cấp bán mĩ phẩm Oriflame đóng cửa?

Hoạt động gần 18 năm trên thị trường Việt Nam, công ty đa cấp phân phối mĩ phẩm Oriflame lại thông báo đóng cửa từ tháng 1/2020. Đây là doanh nghiệp đa cấp lớn nhất thị trường về mạng lưới người tham gia và đứng trong top đầu về doanh thu với con số nghìn tỉ đồng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, đã tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân (địa chỉ 116 Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân được cấp đăng kí doanh nghiệp lần đầu từ tháng 8/2002. Theo số liệu của Bộ Công Thương, Thường Xuân là một trong 4 công ty đa cấp có doanh thu lớn nhất Việt Nam, với tổng doanh thu bán hàng đa cấp trên 1.000 tỉ đồng năm.

Gần 400.000 người tham gia, đa cấp bán mĩ phẩm Oriflame thu hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm

Thường Xuân là đơn vị phân phối độc quyền mĩ phẩm của tập đoàn đến từ Thụy Điển Oriflame Cosmetics S.A. Đây là một tập đoàn mĩ phẩm chuyên kinh doanh các dòng sản phẩm như: nước hoa, dưỡng da, chăm sóc cá nhân, phụ kiện và thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng, do hai anh em Jonas af Jochnick và Robert af Jochnick thành lập vào năm 1967.

Vì sao công ty đa cấp bán mĩ phẩm Oriflame đóng cửa? - Ảnh 1.

Oriflame là công ty bán hàng trực tiếp lớn nhất tại châu Âu. (Ảnh: Oriflame).

Tính đến năm 2007, theo báo cáo của công ty, lực lượng tham gia vào hệ thống bán hàng độc lập là 2.242.500 người. Công ty sử dụng phương thức kinh doanh bán hàng trực tiếp (Direct Selling) để thay thế các nhà phân phối sản phẩm. Hiện nay, Oriflame là công ty bán hàng trực tiếp lớn nhất tại châu Âu.

Còn với nhà phân phối tại Việt Nam, tính đến tháng 3/2019, Thường Xuân là một trong 23 doanh nghiệp duy nhất trên cả nước được cấp phép hoạt động theo Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, được xác nhận đáp ứng các điều kiện đăng kí hoạt động bán hàng đa cấp.

Có mặt tại Việt Nam gần 18 năm, Thường Xuân là doanh nghiệp kinh doanh đa cấp mà số lượng người tham gia lớn nhất trên thị trường tính đến năm 2018, với mạng lưới 371.547 người, chiếm khoảng 52,53 % tổng số người tham gia trên toàn quốc. Con số này cách biệt hẳn so với số lượng người tham gia của các doanh nghiệp đa cấp khác như Amway Việt Nam (khoảng 11,18%), New Image Việt Nam (khoảng 10,12 %), Herbalife Việt Nam (khoảng 6,21 %) và Công ty Thiên Sư Việt Nam (khoảng 4%),…

Vì sao công ty đa cấp bán mĩ phẩm Oriflame đóng cửa? - Ảnh 2.

Thường Xuân chiếm đến hơn một nửa tổng số người tham gia đa cấp tại Việt Nam. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Tuy nhiên về doanh thu, Thường Xuân chưa phải là ông hoàng trong lĩnh vực đa cấp. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Herbalife Việt Nam với doanh thu hơn 2.000 tỉ đồng chính là doanh nghiệp đầu ngành trên thị trường đa cấp, chiếm 25,62% tổng doanh thu của toàn ngành.

Thường Xuân xếp sau, cách biệt đến 1.000 tỉ đồng, đứng ngang với Amway Việt Nam và New Image Việt Nam.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (71%), và mĩ phẩm (23%). Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm khoảng 6%.

Đa cấp Oriflame chỉ thay tên đổi họ?

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, lí do công ty này chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, là vì giấy chứng nhận đăng kí hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều người đặt nghi vấn rằng liệu chăng do Thường Xuân không đáp ứng đủ quy định kinh doanh đa cấp, nên tự rút lui.

Nghi vấn là bởi vào tháng 8/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ban hành quyết định phạt tiền 170 triệu đồng về các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Mĩ phẩm Thường Xuân. Công ty này vi phạm đến 5 lỗi theo quy định.

Vì sao công ty đa cấp bán mĩ phẩm Oriflame đóng cửa? - Ảnh 3.

Trước đó, Thường Xuân vướng đến 5 lỗi về kinh doanh đa cấp. (Ảnh minh họa: Tiền Phong).

Trong đó, Thường Xuân kí kết hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp không bằng hình thức văn bản hoặc không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, công ty này tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi chưa có xác nhận bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố đó về việc tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp.

Sau khi thông báo đóng cửa, cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tới Sở Công Thương, nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp và niêm yết công khai tại trụ sở chính, về thông báo chấm dứt này. 

Công ty có nghĩa vụ đảm bảo các quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

Vì sao công ty đa cấp bán mĩ phẩm Oriflame đóng cửa? - Ảnh 4.

Mĩ phẩm Oriflame sẽ được phân phối trực tiếp bởi công ty đại diện tại Việt Nam. (Ảnh: VnExpress).

Theo chị Thuỷ (Trà Vinh), một đại lí của Thường Xuân, chị được quản lí thông báo rằng công ty chỉ đổi tên, mọi việc hoạt động như trước. Khi được hỏi có phải hệ thống đổi sang đội ngũ khác quản lí, chị khẳng định không phải, đây chỉ là "thay tên đổi họ".

"Công ty chỉ đổi sang tên Oriflame Việt Nam, mọi hoạt động, nhân sự, chế độ và nguồn hàng đều như trước", chị Thuỷ giải thích thêm. 

Chị còn tiết lộ, việc này đã được thông báo từ tháng 11/2019, các đại lí hầu như không quan tâm về vấn đề này, vì mọi hoạt động không có gì khác thường.

Ngày 12/2/2020, đại diện Công ty TNHH Oriflame Việt Nam cho biết, đơn vị là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 100% vốn đầu tư từ Oriflame Cosmetics S.A. Công ty được cấp phép kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu Oriflame bằng hình thức bán hàng trực tiếp.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tổng số lượng người kí hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp tính đến hết tháng 6/2019 là 817.034 người, giảm 35% so với cuối tháng 12/2018. Trong đó, có 294.877 người có hoạt động bán hàng và có hoa hồng (chiếm 36%). Số người tham gia còn lại nhiều khả năng chỉ kí hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp để được mua hàng với mức giá ưu đãi dành cho người tham gia, mà không có hoạt động bán hàng.

Tổng doanh thu bán hàng đa cấp trong nửa đầu năm 2019 đạt khoảng 5.809 tỉ đồng, bằng 53% doanh thu của năm 2018, tăng 25% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp khoảng 1.921 tỉ đồng, chiếm khoảng 36,2 % tổng doanh thu.

Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp được xem là "án tử" cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh không minh bạch.

Từ khi Nghị định ra đời, hoạt động kinh doanh đa cấp đã bị thu hẹp lại đáng kể sau một thời gian bị cơ quan quản lí mạnh tay xử lí, nhiều doanh nghiệp đã phải tự rút lui khỏi hoạt động kinh doanh đa cấp, bởi điều kiện kinh doanh thay đổi theo hướng siết chặt, tăng thêm điều kiện đăng kí kinh doanh.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.