Hiện Bay Việt là đơn vị Việt Nam được Cục Hàng không phê chuẩn và tổ chức huấn luyện phi công cơ bản với một số giai đoạn đào tạo trong nước. Số học viên do Bay Việt đào tạo mỗi năm khoảng 100 người, chia làm bốn khóa với khoảng 25 người mỗi khóa.
Đại diện trường Bay Việt cho biết số hồ sơ dự tuyển thông thường nhiều gấp hai lần so với số học viên được tuyển. Trung bình mỗi năm, trường nhận hơn 200 hồ sơ đủ điều kiện thi tuyển.
Tiếng Anh là điều kiện tiên quyết để đến với nghề phi công. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà).
Trong khi đó, vừa tham gia cuộc chơi đào tạo phi công Vinpearl Air đang tuyển sinh khóa đầu với số lượng 400 học viên. Toàn bộ quá trình đào tạo của học viên của Vinpearl Air thực hiện ở nước ngoài, với các đối tác của doanh nghiệp hàng không mới này.
Giữa cơn khát phi công và triển vọng thu nhập hấp dẫn tương lai, việc tuyển sinh nghề này vẫn không hề dễ dàng.
Hai năm trước, tờ Independent của Anh cảnh báo: "Chỉ nhà giàu mới đủ sức theo đuổi nghề phi công, bởi chi phí đắt đỏ".
Hiệp hội Phi công của Anh (BALPA), tổ chức đại diện cho 75% các phi công của nước này, kêu gọi các hãng hàng không chia sẻ gánh nặng tài chính để phi công trở thành nghề có thể tiếp cận với số đông.
Tại Việt Nam, phi công cũng được xem là một trong những ngành đào tạo đắt đỏ. Chi phí đào tạo một học viên phi công cơ bản tại trường Bay Việt khoảng 1,8 tỉ đồng trong khoảng thời gian 18-20 tháng. Trong đó, giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 57.000 USD-65.000 USD (1,3-1,6 tỉ đồng). Học phí của giai đoạn huấn luyện lí thuyết là 134 triệu đồng còn huấn luyện phối hợp tổ bay từ 99 triệu đồng.
Sau khi tốt nghiệp chương trình huấn luyện cơ bản, nếu muốn trở thành phi công lái tàu bay thương mại, học viên sẽ tiếp tục huấn luyện chuyển loại, huấn luyện Base và IOE. Việc huấn luyện sau cơ bản diễn ra tại các hãng hàng không với chi phí không dưới 1,5 tỉ đồng/người.
Vinpearl Air đang quảng cáo mức chi phí hấp dẫn hơn, giảm 25% so với thị trường, dự kiến ở mức 2,8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, con số trên dưới 3 tỉ đồng mà các trường đào tạo phi công đang giới thiệu chỉ là học phí, chưa bao gồm sinh hoạt phí và việc huấn luyện thêm giờ, học bù nếu không đạt.
Trong khi đó, mức chi phí trung bình cho một sinh viên Việt Nam trong một năm chỉ tầm 14,5 triệu đồng/năm. Nói cách khác, gánh nặng tài chính khiến ngành này không dành cho số đông.
Tài chính chỉ là điều kiện cần để theo đuổi giấc mơ trở thành phi công. Để thi tuyển vào ngành này, học viên phải vượt qua quy trình tuyển sinh đầu vào nghiêm ngặt.
Ngoài các điều kiện về tuổi tác (từ 18 đến 32 hoặc 35 tuổi tùy đơn vị đào tạo), học vấn (tốt nghiệp trung học phổ thông), không có tiền án, tiền sự, ứng viên phải đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe nhóm 1 với phi công dân dụng của Cục Hàng không quy định tại Thông tư liên tịch số 18/2012/TTLT-BYT-BGTVT.
Một số tiêu chí thể lực gồm chiều cao từ 1m65 với nam và 1m58 với nữ; trọng lượng cơ thể từ 52 kg (nam) và 50 kg (nữ); chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 18 và nhỏ hơn 30; vòng ngực trung bình lớn hơn hoặc bằng 50% so với chiều cao; lực bóp tay thuận và tay không thuận lần lượt lớn hơn 40 kg và 30 kg (nam) hay 32 kg và 25 kg (nữ); lực kéo thân lớn hơn hoặc bằng 170% trọng lượng cơ thể.
Kết quả khám sức khỏe phải do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp. Hiện tại có 2 cơ sở được cấp phép khám sức khỏe cho nhân viên hàng không là Trung tâm Y tế Hàng không và Viện Y học Hàng không. Hai đơn vị này có trụ sở tại Hà Nội và thường xuyên tổ chức các đợt khám tại TP.HCM.
Chịu trách nhiệm an toàn cho hàng trăm hành khách và tàu bay trị giá cả trăm triệu USD nên yêu cầu với nghề phi công rất khắt khe. (Ảnh: VNA).
Nếu đủ điều kiện điều kiện ứng tuyển, ứng viên sẽ trải qua 3 vòng thi tuyển gồm kiểm tra tiếng Anh, kiểm tra kỹ năng nghề nghiệp ADAPT và phỏng vấn với hội đồng tuyển chọn.
Đây là quy trình thi tuyển đang được trường Bay Việt và Vinpearl Air School của Vingroup áp dụng.
Toàn bộ việc thi tuyển phi công cũng như chương trình huấn luyện đều được thực hiện bằng tiếng Anh. Tiếng Anh cũng là ngôn ngữ chung của ngành hàng không thế giới. Vì vậy, ngoại ngữ là yếu tố tiên quyết nếu muốn theo đuổi nghề phi công.
Sau bài thi tiếng Anh, ứng viên sẽ trải qua bài kiểm tra ADAPT để đánh giá sự thích ứng, tố chất, năng khiếu bay tiềm năng phát triển trong nghề phi công.
Bài thi ADAPT được thực hiện trên máy tính trong 4 tiếng, gồm nhiều nội dung, trong đó có kiểm tra khả năng toán học, vật lý, nhận thức, phối hợp, làm việc đa nhiệm, định hướng không gian, khả năng điều khiển bay.
Kết quả của bài thi ADAPT sẽ được đánh giá theo 5 mã màu tương ứng với mức độ phù hợp với nghề phi công gồm đỏ - không thích hợp với nghề bay; cam - dưới trung bình; vàng - đạt yêu cầu; xanh dương - khá; xanh da trời - xuất sắc. Sau bài thi ADAPT sẽ đến vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh.
"Khó khăn lớn nhất khi tuyển sinh chính là yêu cầu của nghề phi công rất cao nên số lượng các bạn vượt qua kỳ thi đầu vào không nhiều. Có rất nhiều bạn trẻ quan tâm nghề phi công. Số lượng những người có gia đình khá giả, đủ khả năng chu cấp vài tỷ đồng cho việc học cũng không ít. Tuy nhiên, những bạn có đủ khả năng tài chính, sức khỏe, ngoại ngữ, kiến thức và đam mê không phải là nhiều", đại diện Bay Việt nói với Zing.vn.
Khó khăn để trở thành học viên phi công, thế nhưng, không phải ai học là ra trường.
Đại diện Bay Việt nói với Zing.vn, có nhiều ứng viên đăng kí thi tuyển phi công vì thích nghề bay nhưng mới chỉ biết về những hào nhoáng bên ngoài chứ chưa hiểu đúng, hiểu hết về nghề để có động lực theo đuổi thật sự. Những ứng viên chỉ yêu thích nhưng không có phẩm chất phù hợp để theo nghề phi công sẽ khó lòng vượt qua được áp lực.
"Trong 100 học viên đầu vào, sẽ có khoảng 30-40 bạn tốt nghiệp suôn sẻ, đúng tiến độ chương trình đào tạo. Khoảng 30 bạn cũng sẽ tốt nghiệp nhưng chậm tiến độ. Và cũng đâu đó 30 bạn chấp nhận dừng lại, không theo nữa.
Phần đông trong số các bạn dừng việc học ngay từ phần huấn luyện lí thuyết, cũng có những bạn chấp nhận bỏ khi huấn luyện bay ở nước ngoài nhưng ít hơn", đại diện Bay Việt chia sẻ.
Vị này lí giải dù giai đoạn học nào cũng có khó khăn nhưng 6 tháng huấn luyện lí thuyết đầu tiên, các học viên sẽ phải tiếp thu khối lượng lớn kiến thức hoàn toàn mới về hàng không nên nếu không thật sự đam mê, nỗ lực sẽ dễ bỏ cuộc.
Một khi vượt qua giai đoạn huấn luyện lí thuyết, chuyển sang huấn luyện bay thực hành chứng tỏ học viên phải có quyết tâm theo đuổi nghề phi công. Tuy nhiên, đại diện trường cho hay cũng có trường hợp học viên học lí thuyết rất tốt nhưng khi huấn luyện bay thực hành lại không làm tốt và ngược lại, học viên hoàn thành phần lí thuyết bình thường nhưng lại bay thực tế tốt.