Mới đây, Liên minh châu Á vì động vật (AFA) gửi thư đến bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã biểu diễn xiếc.
Những chú voi bị vắt kiệt sức khi được khai thác phục vụ du lịch - Ảnh: TRUNG TÂN
Sáng 27-5, theo quan sát của chúng tôi tại Thảo cầm viên Sài Gòn (Q.1, TP.HCM), các loài báo hoa mai, trăn, khỉ... được nhân viên nuôi dưỡng đến thăm, chăm sóc và cho ăn. Hầu hết động vật tại đây được nuôi nhốt riêng theo khu vực, mỗi con được bố trí ở từng chuồng riêng biệt.
Thảo cầm viên Sài Gòn bỏ dần chuồng thú nhỏ
Theo một nhân viên chăm nuôi thú tại Thảo cầm viên Sài Gòn, những loài động vật ở đây đều được chăm sóc chu đáo, có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nhân viên chăm nuôi động vật đều là người có kinh nghiệm, kỹ năng nuôi, huấn luyện chúng bài bản. Do vậy, động vật ở Thảo cầm viên thường phát triển rất nhanh, sức khỏe tốt và thân thiện với con người.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Tân - giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn - cho biết điều kiện chuồng đảm bảo theo sát các quy định của các tổ chức trên thế giới mà Thảo cầm viên Sài Gòn là thành viên chính thức như WAZA, SEAZA, Species 360. Đội ngũ 12 cán bộ bác sĩ thú y gắn bó lâu năm với đơn vị đảm nhận vai trò kiểm tra việc thực hiện quy trình, chăm sóc, thăm khám cho động vật...
Ngoài ra Thảo cầm viên Sài Gòn cũng đang bỏ dần các chuồng có diện tích nhỏ, cải tạo các chuồng thú cho rộng rãi, an toàn và gần gũi với đời sống tự nhiên của chúng. So với động vật trong tự nhiên, tuổi thọ của một số loài tại Thảo cầm viên Sài Gòn tăng lên do điều kiện sống tốt (voi, hà mã, rái cá...).
"Ngoài việc xây dựng các chuồng thú hiện đại, có khoảng cách đối với du khách và động vật, có gắn kính tránh tiếng ồn, chúng tôi còn sử dụng hệ thống bảng cảnh báo. Bảo vệ và nhân viên của chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi hướng dẫn và nhắc nhở du khách không chọc phá các loài động vật" - ông Tân cho biết.
Chia sẻ thêm về vấn đề sử dụng một số loài động vật trong các rạp xiếc, ông Tân cho rằng đa số thú biểu diễn xiếc sẽ chịu đựng rất nhiều áp lực về tâm lý trong quá trình tập và diễn cũng như các bệnh nghề nghiệp do các động tác trái với tự nhiên.
Thú được nuôi nhốt tại Thảo cầm viên Sài Gòn - Ảnh: T.T.D.
Voi Bản Đôn bị nhổ trụi lông đuôi
Có mặt tại khu du lịch Bản Đôn (Buôn Đôn, Đắk Lắk) một ngày cuối tháng 5-2018, chúng tôi thấy nhiều du khách đến đây để trải nghiệm tour "cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk".
Các đài voi (dùng để khách trèo lên lưng voi) được làm sẵn ở bãi sân rộng và sát mép sông liên tục có khách lên xuống.
"Cứ có khách là voi phải làm việc liên tục. Mãi đến tối voi mới được quấn xích vào chân (để voi không đi xa - PV) và thả vào rừng cho đi kiếm ăn. Sáng hôm sau, voi được bắt về để tiếp tục phục vụ du khách" - một nài voi kể công việc mỗi ngày của các chú voi.
Huyện Lắk cũng có dịch vụ cưỡi voi tham quan hồ Lắk, nên các chú voi ở đây cũng phải làm việc. Cứ thế, những chú voi của các hộ dân được đưa vào "hợp tác xã", chia lợi nhuận cùng các doanh nghiệp làm du lịch. Giữa các chuyến chở khách voi được nghỉ ngơi chút xíu, ăn vài cây mía do một vị khách tốt bụng nào đó mua và đưa cho ăn để... chụp hình.
Theo TS Cao Thị Lý (ĐH Tây Nguyên), việc cưỡi voi là bình thường ở VN và một số quốc gia châu Á. Thế nhưng việc bắt voi phải phục vụ chở khách du lịch liên tục nhưng cho ăn ít (voi trưởng thành ăn khoảng 250-300kg thức ăn/ngày) và ít có thời gian nghỉ ngơi cho thấy voi chưa được đối xử tốt.
Không chỉ bị vắt kiệt sức, hầu hết các chú voi đã bị nhổ trụi lông đuôi, do nhiều du khách tin rằng đeo nhẫn lông đuôi voi sẽ may mắn, có sức khỏe nên bỏ ra rất nhiều tiền để mua. Nhìn những chú voi bị ruồi nhặng bu kín mông, hông và voi dùng những cái đuôi trụi lông quất vào thật xót xa.
Đắk Lắk có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi, các gru (nghệ nhân) chủ yếu dạy voi bằng “roi vọt” nhưng không bị coi là hành hạ vì đó là khác biệt văn hóa trong thuần dưỡng voi. Tuy nhiên, đối với nguy cơ suy giảm về số lượng, trong khi voi thuần dưỡng ở nước ta đa số đã già, sức khỏe không còn tốt, việc tiếp cận quan điểm về bảo tồn chú ý đến phúc lợi cho voi là cần thiết. TS Cao Thị Lý |
Ông Huỳnh Trung Luân - giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết trong quá trình chăm sóc, khám bệnh cho 45 chú voi nhà, các bác sĩ nhận thấy hầu hết các chú voi đã bị mất lông đuôi. Có trường hợp chính chủ voi cũng nhổ lông đuôi bán cho du khách vì lợi nhuận.
"Tuy nhiên vì voi là tài sản riêng của họ nên trung tâm không có cách nào khác ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân" - ông Luân nói. Có trường hợp voi hoang dã bị bẫy để nhổ lông đuôi, cắt ngà để bán.
Sao không bảo tồn trước, thu lợi sau?
Dù Đắk Lắk đã có chính sách hỗ trợ, thành lập trung tâm để bảo tồn voi (nhà và hoang dã), số lượng đàn vẫn đang suy giảm, khả năng sinh sản chưa có tiến triển. Một trong những nguyên nhân là voi bị bắt làm việc quá nhiều, ăn uống ít và thiếu không gian... yêu.
TS Cao Thị Lý cho biết có quá nhiều thách thức cho công tác bảo tồn voi tại Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Hiện nay do voi nhà ít được thả vào rừng như trước đây, nhiều diện tích rừng để thả voi cũng dần bị thu hẹp, voi "phụ thuộc" nhiều vào sự điều khiển của con người nên quên dần các tập tính hoang dã, cả tập tính sinh sản cũng gặp khó khăn.
Theo TS Lý, ở các quốc gia khác như Thái Lan, Sri Lanka..., voi được di chuyển, sinh hoạt trong các không gian khá rộng, an toàn nên phát huy được các tập tính hoang dã, giao phối tự nhiên.
Kinh nghiệm quốc tế trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn voi có nhiều điều VN cần học hỏi, nghiên cứu, áp dụng.
TS Lý dẫn lại một bài học từ quốc gia Sri Lanka: "Ở một trại voi tại Sri Lanka, sau khi voi sinh sản tự nhiên thành công, đàn voi được phát triển, họ đã xây dựng thêm các dịch vụ và hoạt động đi kèm, khép kín để thu hút khách du lịch.
Lúc này, người ta lấy lợi nhuận từ du lịch để chi phí cho các hoạt động bảo tồn. Với cách tiếp cận từng bước và bền vững, không gian sống của voi và cảnh quan của trại voi ngày càng được tôn tạo.
Khách du lịch đến tham quan ngày càng đông nhưng chủ yếu là ngắm voi và khám phá cách chăm sóc, hoạt động của voi, chứ không cưỡi voi".
TS Lý nhấn mạnh: mục tiêu bảo tồn loài phải được quan tâm, chú trọng đầu tiên. Hoạt động du lịch hình thành sau khi một trong số các mục tiêu bảo tồn đã đạt được.
Cả tỉnh chỉ còn 45 voi nhà Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 45 con voi nhà, trong đó có 26 con cái và 19 con đực. Có 25 con voi (9 đực và 16 cái) trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi, còn có khả năng giao phối sinh sản. Ông Huỳnh Trung Luân cho biết theo nghị quyết số 78 năm 2012 của HĐND tỉnh Đắk Lắk, mỗi khi voi mang bầu, sinh sản thì chủ, nài voi sẽ được Nhà nước hỗ trợ khoảng 650 triệu đồng (chủ yếu là cho voi mẹ). Đây là một chính sách nhằm tăng số lượng đàn voi hiện đang bị suy giảm quá lớn (năm 1980 Đắk Lắk có khoảng 500 con voi - PV) Theo ông Luân, công tác chăm sóc, bảo tồn voi là một lĩnh vực còn mới, hầu hết cán bộ làm công tác này chưa được đào tạo chuyên sâu, do vậy gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng. |