Thủ tướng: Hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc là mục tiêu pháp lệnh

Chiều 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì họp phiên thứ 15 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng phát biểu kết luận phiên thứ 15 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT trên địa bàn.

Dự phiên họp tại các điểm cầu có: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các tập đoàn, tổng công ty, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các nhà thầu…

Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 14 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là không lấy đấu thầu làm nơi trú ẩn an toàn cho "quân xanh, quân đỏ". (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tại Phiên họp lần thứ 14, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 4 nhiệm vụ trọng tâm, giao 83 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ, công việc được giao, nhiều đơn vị hoàn thành tốt công việc; đến nay đã hoàn thành 41 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang triển khai 33 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 2 nhiệm vụ chưa đến hạn; 7 nhiệm vụ chưa hoàn thành đúng hạn.

Nhiều khó khăn vướng mắc đã được tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án, trong đó đã đưa vào khai thác thương mại đoạn trên cao đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội; khởi công dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu; hoàn thành thẩm định dự án cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng; đã thẩm định, trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành; ban hành Nghị quyết của Chính phủ triển khai dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành…

Điều kiện thời tiết thời gian qua tại khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4, khu vực miền Nam đang trong mùa mưa nên tiến độ triển khai các dự án cũng có ảnh hưởng nhất định. Mặc dù vậy, các chủ đầu tư, nhà thầu đã quyết liệt thi công để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, khắc phục các điều kiện bất lợi của thời tiết.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Một số địa phương cũng đã rất quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng và khối lượng có chuyển biến rất đáng biểu dương, phần diện tích bàn giao tăng trên 20% so với sau phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo rất cụ thể về tiến độ chuẩn bị, triển khai các dự án, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải quyết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Không lấy đấu thầu làm nơi trú ẩn cho "quân xanh, quân đỏ"

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả cụ thể, những tiến bộ đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là biểu dương một số địa phương rất nỗ lực, làm tốt như Hậu Giang, Đắk Lắk, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… và một số địa phương làm tương đối tốt như Tuyên Quang, Bình Định, Quảng Ngãi…

Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm như: Bám sát thực tiễn, vướng ở đâu giải quyết ở đó, trách nhiệm của cấp nào cấp đó giải quyết; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các bộ, ngành, địa phương; cùng với tháo gỡ vướng mắc trên công trường, thì cần tích cực tháo gỡ thể chế, cơ chế, chính sách, như vừa qua đã tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, tỉ lệ tham gia vốn Nhà nước trong dự án PPP, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; tạo điều kiện cho các địa phương, nhà thầu, doanh nghiệp địa phương trưởng thành, lớn mạnh trong triển khai các dự án.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Năm 2025 cũng là năm về đích quyết định thành công của cả giai đoạn 2021-2025.

Đại diện Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn phát biểu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện bằng được mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau, đây cũng là mục tiêu có tính chất pháp lệnh, đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, bày tỏ lòng biết ơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV phải khẳng định trách nhiệm, tinh thần vì dân vì nước, bằng những hành động cụ thể, sản phẩm cụ thể, những gì chưa làm được thì phải nỗ lực làm, những gì đã làm tốt rồi thì phải làm tốt hơn nữa, để nhân dân được thụ hưởng thành quả phát triển đất nước. Đồng thời, giải ngân vốn đầu tư công tốt, trong đó lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 50%, cũng góp phần thực hiện nhiệm vụ ưu tiên cho tăng trưởng hiện nay.

Đại diện Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam phát biểu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Trong triển khai các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là không lấy đấu thầu làm nơi trú ẩn an toàn cho "quân xanh, quân đỏ", "khi kiểm tra, thanh tra thì đấu thầu rất hoành tráng, mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn sai phạm, vẫn phải kỷ luật, xử lý cán bộ và dự án vẫn kéo dài, đội vốn".

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất; nếu có vướng mắc phải chỉ rõ vướng mắc gì, ở đâu, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu; phải chỉ rõ ai chịu trách nhiệm nếu triển khai các công việc chậm trễ trong khi Tổ quốc mong chờ, nhân dân hy vọng. Tinh thần là "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm".

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương phải huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, giao việc cho các nhà thầu phụ ở địa phương để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương lớn mạnh.

Các chủ đầu tư không được chia nhỏ các gói thầu; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu, chống ngay từ phương pháp, cách làm; những nhà thầu làm tốt thì ưu tiên giao triển khai giai đoạn tiếp theo, công trình, dự án tiếp theo.

Các địa phương tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường vận động người dân để hoàn thành bàn giao mặt bằng các dự án đúng tiến độ yêu cầu; quan tâm bảo đảm đời sống cho người dân đã nhường mặt bằng cho dự án, cũng như đời sống của công nhân, người lao động trên công trường, nhất là trong dịp Tết sắp tới với tinh thần cầu thị, lắng nghe, chia sẻ.

"Địa phương chăm lo Tết cho người dân trên địa bàn thế nào thì cũng phải chăm lo cho công nhân, người lao động trên công trường ở lại thi công xuyên Tết như vậy, không để anh chị em kỹ sư, công nhân, người lao động cô đơn trên công trường", Thủ tướng đề nghị.

Các cơ quan chủ quản đôn đốc các nhà thầu tăng cường máy móc thiết bị, nhân lực thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "làm việc 3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương"; góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình về đích vượt tiến độ đề ra, nhất là các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 thuộc danh mục 3.000 km cao tốc.

Các ban quản lý dự án khẩn trương xây dựng lại và hoàn thiện đường găng tiến độ, có kế hoạch bù lại tiến độ với các dự án đã chậm; tổ chức lại thi công trên công trường, thi công nhịp nhàng, đồng thời nhiều vị trí theo nguyên tắc "cuốn chiếu"; đôn đốc, huy động tổng lực lượng của nhà thầu chính, các nhà thầu phụ, triển khai 24/24 giờ các công việc thực hiện bằng máy móc, thiết bị hiện đại; huy động các lực lượng thanh niên, quân đội, công an… triển khai các công việc có thể tham gia.

Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương rà soát các quy định để kịp thời khắc phục các thiếu sót trong thủ tục đầu tư, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, chống tham ô, tham những và đặc biệt là thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí. Thủ tướng cũng lưu ý, luật đã cho phép, Bộ GTVT khẩn trương triển khai chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông với các dự án đã hoàn thành để có thêm ngân sách triển khai các dự án mới.

Kiểm tra, đôn đốc thường xuyên dự án sân bay Long Thành

Chỉ rõ một số nhiệm vụ với các dự án cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc PPP.

Về vật liệu xây dựng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn giải quyết vướng mắc, UBND các tỉnh giải quyết ngay thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo khối lượng cho các dự án. Các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, GTVT, Khoa học và Công nghệ khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình xử lý cát biển phục vụ hoạt động xây dựng, san lấp.

Các địa phương tích cực phát động, hưởng ứng phong trào thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.

Về nhiệm vụ đã giao còn chưa hoàn thành, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ về thủ tục cấp mỏ, nâng công suất các mỏ cho các dự án khu vực phía nam; UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương hoàn thành phê duyệt dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; UBND TPHCM khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ khai thác đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.

Đối với các nhiệm vụ liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hạ tầng kết nối, Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương, cơ quan liên quan quán triệt và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo kết luận sau cuộc làm việc trên công trường dự án ngày 3/12 vừa qua; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GTVT đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên.

Thủ tướng giao các bộ, ngành khẩn trương xử lý các kiến nghị, đề xuất của các địa phương; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo việc đổi mới hoạt động Hội đồng thẩm định nhà nước các dự án quan trọng quốc gia theo hướng tổ chức tinh gọn, cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan và các cá nhân cùng phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, chung tay thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số, chuẩn bị đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.