Những ngày qua, hoàn lưu bão số 6 đã gây mưa to đến rất to ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ; gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở một số khu vực, làm thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là tại Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai...
Trong khi đó, bão số 7 đang mạnh lên và di chuyển nhanh về các tỉnh biên giới phía Bắc, gây mưa lớn ở các tỉnh vùng núi và trung du, nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất.
Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là nơi vừa qua đã có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và khu vực nguy cơ cao về rủi ro trên; những vùng trũng dễ ngập nước khi mưa lớn để bảo đảm tính mạng người dân.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, có giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. |
Các địa phương tổ chức thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại, nhất là hộ có người thân bị nạn; bố trí chỗ ở tạm cho hộ dân bị mất nhà cửa hoặc di dời, không để người dân bị đói. Cùng đó, cần có biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập theo cấp báo động; bố trí lực lượng, phương tiện, hỗ trợ hướng dẫn giao thông tại khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nhất ở các ngầm, tràn; chủ động tiêu thoát nước để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ NN&PTNT kiểm tra, vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, bảo vệ đề điều, hồ đập, công trình thủy lợi để bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn Điện lực, Than khoáng sản đảm bảo an toàn hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, hồ đập thủy điện, hệ thống điện. Bộ TN&MT theo dõi diễn biến mưa bão, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai...
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa lũ những ngày qua đã làm 3 người chết (Thái Nguyên 2 người do lũ cuốn; Yên Bái 1 người bị sét đánh); 2 người mất tích (Hà Giang 1 người và Lào Cai 1 người).
Mưa lũ cũng làm sập 7 nhà, gần 430 nhà bị hư hỏng, trong đó nặng nhất là Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn… Đến nay hơn 2.500 ha lúa bị thiệt hại, ngập; hơn 5.000 gia súc bị chết.
Về giao thông, thiệt hại nặng nhất là ở Thái Nguyên: Sạt lở 200m đường xã Yên Đổ, huyện Phú Lương trên quốc lộ 3C; sạt lở gần 2km đường giao thông đường liên huyện, trong đó 520m tại xã Yên Trạch và Phủ Lý huyện Phú Lương, hơn 300m ta luy đường tại xã Phúc Lương huyện Đại Từ, 300 tuyến ĐT.267… Ngoài ra có 8 điểm sạt lở với khoảng 10.000m3 đất đá tại huyện Đại Từ; 12 cầu dân sinh hư hỏng tại các huyện Đại Từ, Định Hóa.