Chiều 19/4, trong công văn gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (chủ đầu tư), CTCP Tập đoàn Thuận An cam kết tiếp tục thi công phần việc đơn vị đảm nhận ở gói thầu xây lắp số 5 và 6, thuộc dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, không để ảnh hưởng tiến độ chung.
Tại hai gói thầu trên, Thuận An với vai trò thành viên trong liên danh tham gia thi công, tổng giá trị hợp đồng đơn vị này thực hiện khoảng 130 tỷ đồng. Công ty cho biết đến nay khối lượng thi công ở gói số 5 đạt khoảng 4%, gói số 6 khoảng 4,42%. Tuy nhiên, đơn vị đang gặp khó khăn về nguồn cát san lấp, bãi đổ chất thải nên chưa thể triển khai một số công việc. Khi được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ triển khai để đảm bảo tiến độ gói thầu.
Gói thầu số 5 (đoạn từ cầu Tân Kỳ - Tân Quý đến cầu Bưng) dài hơn 3 km, Thuận An là thành viên trong liên danh cùng 5 công ty khác. Doanh nghiệp trên đảm nhận việc thi công các hạng mục xây đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật (trừ cây xanh, điện chiếu sáng) bờ phải tuyến kênh với khoảng 77,5 tỷ đồng, tương đương 13,8% giá trị của hợp đồng.
Tại gói số 6 (từ cầu Bưng đến Tham Lương) dài 2,8 km, Thuận An trong liên danh cùng 4 công ty khác. Đơn vị này thực hiện các hạng mục xây đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật (trừ cây xanh, điện chiếu sáng) bờ phải, giá trị hơn 53 tỷ đồng, khoảng 11,7% hợp đồng.
Trước đó, chủ đầu tư cho biết qua kiểm tra công trường các gói thầu nêu trên và báo cáo của tư vấn, Công ty Thuận An đã ngưng thi công.
Để đảm bảo tiến độ như cam kết của nhà thầu, đại diện chủ đầu tư cho biết ngày 22/4 tới sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp trên. Tại cuộc họp, liên danh tư vấn giám sát sẽ báo cáo tình hình thực hiện của Công ty Thuận An đối với phần việc đơn vị đảm nhận ở hai gói thầu số 5 và 6. Chủ đầu tư sẽ yêu cầu doanh nghiệp này báo cáo cụ thể kế hoạch triển khai thi công, nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các gói thầu trên trước ngày 30/4/2025.
Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là kênh dài nhất TP HCM với gần 32 km, qua 7 quận, huyện ở thành phố, gồm: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh. Dự án cải tạo dòng kênh khởi công cách đây hơn một năm, tổng vốn 8.200 tỷ đồng từ ngân sách.
CTCP Tập đoàn Thuận An trụ sở trên đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội, thành lập từ năm 2004, do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch. Ông Hưng mới bị bắt về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ, theo khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Hiện, ông Trần Đức Khoa, Phó tổng giám đốc công ty, được ủy quyền điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ của người đại diện pháp luật công ty.
Thuận An kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện, năng lượng tái tạo, bất động sản. Những năm gần đây, Thuận An trúng hàng chục gói thầu xây lắp trên toàn quốc.
Tại TP HCM, ngoài dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, doanh nghiệp này tham gia hai gói thầu thuộc dự án Vành đai 3 và hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Tại các công trình này, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), cho biết Công ty Thuận An đang duy trì nhân công, thiết bị trên công trường.