Theo Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, các nghi ngờ tập trung vào tính hữu hiệu của vắc xin này do nó được phát triển trong một thời gian rất ngắn và vị giáo sư trên cũng không thể đưa ra các bằng chứng cụ thể để chứng minh độ tin cậy của nó.
Đại học Thiên Tân, ở phía bắc Trung Quốc, hôm 25/2 thông báo, vắc xin đường uống sử dụng men accharomyces cerevisiae làm chất dẫn và protein gai của virus Corona để sản xuất kháng thể chống Covid-19.
Giáo sư Huang Jihua, đứng đầu dự án, đã tự mình sử dụng 4 liều vắc xin và hiện chưa bị tác dụng phụ nào.
Một nguồn tin nắm rõ cuộc nghiên cứu nói, đã đặt câu hỏi về độ tin cậy của vắc xin. “Dựa trên những gì tôi biết, ông Huang đã tìm thấy một thụ quan dựa trên chuỗi RNA đã công bố. Rồi sau đó, ông ấy bắt đầu đề nghị hợp tác”, nguồn tin đề nghị ẩn danh cho hay.
Trên trang mạng xã hội Weibo, thông tin trên đã thu hút nhiều phản ứng. Một người dùng Weibo tên là “Chayuquan” tỏ ý nghi ngờ về việc liệu có thể hấp thu được protein gai hay không nếu một người uống nó. Và rằng, nếu có thể hấp thu tại sao lại uống thay vì tiêm.
Một phát ngôn viên của Đại học Thiên Tân nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng có “vấn đề về ngôn từ” trong việc phát triển vắc xin ngừa Covid-19. Và rằng, đại học này sẽ đính chính sau khi liên lạc với nhóm của giáo sư Huang.
Trả lời các nghi vấn, giáo sư Huang cho hay, vắc xin trên đã được phát triển thành công nhưng chưa qua thử nghiệm lâm sàng.
Ông nhấn mạnh rằng ông cũng đã phát triển một vắc xin ngừa Covid-19 cho động vật và loại này đã chứng tỏ sự hữu hiệu của nó. Vì thế, ông suy ra vắc xin cũng có tác dụng trên người.
“Tuy nhiên, vẫn cần thử nghiệm vắc xin trên động vật và con người để quyết định tính hữu hiệu của nó”.