Ông Hoa bước ra khỏi khu cách li Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với nhịp chân nhanh nhẹn như đang nhún nhảy. Chiếc áo caro hồng khiến khuôn mặt ông vốn đã tươi tỉnh càng có thêm sức sống, khác hẳn với dáng vẻ mỏi mệt khi còn ở trong phòng cách li vài ngày trước.
Người đàn ông 73 tuổi mỉm cười không dứt, ánh mắt niềm nở và liên tục vẫy tay chào hàng chục người lạ đang đón chờ ông ngoài cửa khu bệnh.
Ông Tạ Kiên Hoa (73 tuổi), Việt kiều Mỹ, ca dương tính thứ 3 tại TP.HCM, là bệnh nhân thứ 7 nhiễm virus corona tại Việt Nam và cũng là trường hợp cao tuổi nhất. Sau 21 ngày cách li và điều trị tại Khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ông đã chính thức xuất viện vào chiều 21/2.
Ngược lại với không khí nhộn nhịp trong phòng bệnh, rời bệnh viện, ông Hoa lặng lẽ lên taxi về khách sạn một mình. Trong bản nhạc vui ngày xuất viện của ông Hòa, chỉ có một nốt trầm duy nhất, ông không có người thân ở bên cạnh trong ngày ra viện cũng như 20 ngày trước đó. Ông đã chống chọi với dịch Covid-19 khi người thân ở cách xa gần 13.000 cây số.
Li hương gần 40 năm, Việt Nam với ông Hoa vừa thân thuộc lại vừa xa lạ. Dù vậy, ông vẫn duy trì thói quen về Việt Nam ăn Tết để giữ sợi dây gắn kết với nơi "chôn nhau cắt rốn". Từ bang California (Mỹ) trở về TP.HCM, ông chỉ quá cảnh 2 tiếng ở Vũ Hán nhưng phải đánh đổi bằng 21 ngày bị cô lập trong bệnh viện.
Virus corona là một khái niệm xa lạ với ông Hòa cho đến khi ông nhận kết quả xét nghiệm dương tính từ bệnh viện. Ông bàng hoàng và suy sụp.
Ông Hoa trong phòng cách li những ngày đầu chữa trị (ảnh trái) và trong ngày xuất viện (ảnh phải). (Ảnh: Thu Hằng).
Khi thông báo cho người thân từ đầu dây bên kia Trái Đất về bệnh tình của mình, ông Hoa chỉ nghe cả nhà “khóc tới khóc lui” trên điện thoại. Ông kiên quyết ngăn cản vợ con về thăm mình bởi “nhà một người nhiễm là đủ rồi” và dù có về cũng không thể gặp mặt vì ông đang ở khu cách li. Thế nhưng, trong thâm tâm, nhiều khi ông lo sợ đến tuyệt vọng.
“Hàng ngày tôi theo dõi trong điện thoại thấy trên thế giới có nhiều người tử vong. Tui tự mặc cảm vì lớn tuổi, không biết có được điều trị khỏi hay không. Đêm trằn trọc, không ngủ được”, ông Hoa kể lại những ngày đầu khi mới được đưa vào phòng cách li âm.
Ở phòng cách li, không thấy mặt trời, mặt trăng, không thấy hình bóng con người, cả ngày quanh quẩn trong không gian bốn bức tường rộng hơn chục m2. Ngoài sự động viên của gia đình, sự tử tế của chính các bác sĩ và điều dưỡng tại Khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, là điểm neo giúp ông vực dậy tinh thần sau những ngày sa sút, đưa ông “từ cõi chết trở về”.
“Một mình, tôi cảm thấy cô đơn, buồn bã, áp lực tâm lí vô cùng, các bác sĩ, điều dưỡng ngày ngày tới an ủi, trò chuyện. Họ đáp ứng mọi yêu cầu, tôi muốn trái cây có trái cây, muốn sữa có sữa”, ông Hoa kể.
Ông Hoa nhớ tên của hầu hết y bác sĩ của Khoa nhiễm D, nhưng người “bạn thân nhất của ông”, như cách đùa của chính các y bác sĩ tại đây, là điều dưỡng Đức.
“Anh Đức rất hay vào tận phòng thăm tôi dù mỗi lần vào phải mặc bộ đồ bảo hộ rất phiền phức. Xét nghiệm thì cứ dương tính, dương tính, anh ấy thì cứ kiên trì động viên tôi là sẽ khỏi, sẽ khỏi. Bữa nào anh ấy trực, tôi ngủ rất ngon”, ông Hoa nói rồi cười ha hả.
“Mấy lần gặp tôi, bác khóc vì mừng. Thấy có người vô là mặt bác sáng bừng lên. Bác bảo cứ ca trực của tôi là mọi lo lắng đều xua tan, đêm ngủ ngon hơn hẳn”, điều dưỡng Đức vui vẻ kể.
Vũ Hoàng Đức (24 tuổi) là điều dưỡng tại Khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, từ 2 năm nay. Khi tiếp nhận Việt kiều Mỹ dương tính với Covid-19, nhiều điều dưỡng trong khoa lo sợ, nhưng Đức thì không.
Đức bảo không phải mình dũng cảm hơn mọi người, mà bởi thứ nhất, anh hiểu về cơ chế lây nhiễm của bệnh.
Thứ hai là trước kia, Đức từng làm điều dưỡng cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Được rèn luyện từ 6 tháng gắn bó với những người nhiễm AIDS “sợ đủ thứ”, Đức thấy rằng dịch Covid-19 này cũng “không đến nỗi tệ lắm” và anh hiểu rằng sự động viên là liều thuốc quan trọng thế nào đối với các bệnh nhân.
Có ngày Đức dành 2-3 giờ, có ngày 4-5 giờ để trò chuyện với bệnh nhân Hòa, nửa đêm ông gọi anh cũng bắt máy ngay. Có những món bệnh nhân thích, Đức phải chạy đi mua cho được. Có lần, ông Hoa muốn ăn một loại bánh của người Hoa, anh phải đi tìm khắp quận 5 rồi qua quận 6 mới mua được.
Việc tương tác, tâm sự, an ủi, động viên bệnh nhân là một phần của kế hoạch điều trị được chính các y bác sĩ của khoa nhiễm D vạch ra.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, kể lại khoảng 3-4 ngày đầu nhập viện, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có vẻ không an tâm, rất lo lắng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, biểu hiện qua 3 điều.
Thứ nhất, khi thấy có người vào phòng đưa cơm hay chích thuốc, bệnh nhân vô cùng mừng. Thứ hai, bệnh nhân thường xuyên biểu hiện mong muốn được tâm sự để giải tỏa căng thẳng. Thứ ba và đặc biệt quan trọng, bệnh nhân nhiều lúc không muốn ăn do “áp lực quá”.
Là người thầy thuốc, bác sĩ Phong hiểu rằng thành công trong điều trị không chỉ nằm ở thuốc hay chế độ dinh dưỡng, mà tâm lí cũng cần được điều trị song song. Do đó, khoa đã lên kế hoạch là khi bác sĩ, điều dưỡng, hộ lí vô phòng thì phải nán lại 1-2 tiếng để tâm sự, chia sẻ với bệnh nhân.
“Cái quan trọng nhất trong điều trị dịch là tâm lí của người bệnh chứ không phải điều trị bằng thuốc. Bệnh nhân an tâm và hợp tác thì tiến trình điều trị mới nhanh và hiệu quả”, bác sĩ Phong lí giải.
Trở lại khách sạn Triều Hân (quận 3), nơi ông Hòa từng lưu trú ngay trước khi nhập viện, Việt kiều Mỹ vừa biết ơn, vừa lo lắng. Biết ơn vì sau tất cả những biến cố mà nơi đây phải đối mặt do ảnh hưởng của ông, họ vẫn luôn gọi điện thăm hỏi suốt quá trình ông điều trị cũng như chấp nhận đón tiếp ông trở lại. Còn lo lắng là bởi ông sợ rằng sự kì thị từ những người xung quanh sẽ không chỉ đổ dồn lên ông, mà còn lan sang cả khách sạn này.
Anh Nguyễn Thăng Tĩnh (41 tuổi), quản lí khách sạn Triều Hân, hồ hởi đón ông Hoa trở về khách sạn sau 21 ngày điều trị. Anh Tĩnh nói đùa rằng đây là ngày hai bệnh nhân tái ngộ bởi chính khách sạn Triều Hân cũng vừa trải qua thời gian tự cách li hơn 15 ngày để phòng, chống dịch Covid-19 lây chéo.
Kết thúc cách li, cả khách sạn đều âm tính với dịch Covid-19. Nhưng thay vì chiến đấu với virus corona, những nhân viên tại đây phải đối phó với một loại virus khác lây lan còn nhanh hơn, đó là virus kì thị.
Hết thời gian cách li và trở lại hoạt động bình thường từ gần 1 tuần nay, khách sạn Triều Hân, vốn thường rất nhộn nhịp vào những tháng đầu năm, không một bóng khách. Cả khách sạn hiện chỉ có 2 người thuê phòng là ông Hòa cùng một vị khách quen khác.
“Hôm trước có khách quen gọi đặt phòng hỏi ‘Khách sạn anh đã bình thường lại chưa?’, tôi chưa kịp trả lời ổn rồi thì đã nghe một người đầu dây bên kia nói ‘Thôi đợi 5-6 tháng hết hẳn dịch rồi hãy ở đấy. Chọn khách sạn khác đi’”, anh Tĩnh kể lại trong tiếng thở dài.
Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện kì thị mà anh và 7 nhân viên ở đây phải đối mặt mỗi ngày. Có hôm máy giặt hỏng, anh Tĩnh gọi người đến sửa. Khi gọi điện, người ta nhận làm nhưng khi anh nhắn địa chỉ thì họ không hồi âm. Đến tối, họ mới nhắn lại rằng: “Xin lỗi, tôi nghe nói khách sạn anh đang có dịch nên tôi không dám đến”.
“Đón anh Hoa trở lại đây, tôi biết rằng khách sạn sẽ phải đối mặt với khả năng tiếp tục bị kì thị vì tâm lí sợ dịch của mọi người. Nhưng nếu tôi không đón anh Hoa trở lại, tôi cũng chẳng khác gì họ. Dù biết sẽ có khó khăn, tôi vẫn động viên anh ở lại đây cho đến khi về Mỹ”, anh Tĩnh tâm sự.
Theo dự định, 3 ngày nữa, ông Hoa trở về bang California (Mỹ) với gia đình. Khi được hỏi sẽ ứng phó thế nào với những tình huống phân biệt đối xử nếu mọi người nhận ra ông là người vừa được điều trị khỏi Covid-19, ông Hoa hài hước tiết lộ một “khẩu quyết” mà bác sĩ Phong đã dạy ông trước khi rời viện:
“Giờ tôi chắc chắn không sợ lây dịch cho mọi người nữa rồi, chỉ sợ mọi người lây dịch cho tôi thôi”.