BS Võ Ngọc Anh Thư chia sẻ về cuộc chiến với Covid-19 tại BV Chợ Rẫy
Vượt lên nỗi sợ
Từ cuối tháng 1/2020 (dịp Tết Nguyên đán), dịch corona/Covid-19 dần bùng phát mạnh và nhanh chóng trở thành một sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu, khi virus này vươn khỏi Vũ Hán và lây lan ra nhiều nước trên thế giới, gieo rắc nỗi khiếp sợ cho nhân loại với số ca mắc bệnh, số người tử vong liên tiếp có chiều hướng tăng lên mỗi ngày, diễn biến khó lường.
Tại Việt Nam, vào đúng thời điểm người dân tất bật lo Tết Nguyên Đán, tối 23/1 (29 tháng Chạp), BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, tại đây đã tiếp nhận và đang điều trị cho 2 trường hợp nhiễm virus corona . Thông tin gây bàng hoàng này khởi nguồn cho chuỗi ngày dài liên tiếp của ngành Y tế và Chính phủ cùng nhiều ban ngành khác của Việt Nam trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Tới nay nỗ lực này đã đem lại kết quả rất khả quan.
Ngành Y tế Việt Nam đã chứng tỏ khả năng chống dịch hiệu quả khi liên tiếp các ca bệnh dần hồi phục hoàn toàn, trong đó không thể không nhắc tới ca đầu tiên và cũng là điển hình, bệnh nhân Trung Quốc 66 tuổi đã điều trị khỏi bệnh hoàn toàn trong niềm hân hoan của toàn bộ y bác sĩ của BV, trong đó có BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh Nhiệt Đới.
BS Anh Thơ nhớ rất rõ, ngày cuối cùng của năm 2019, BV bất ngờ xuất hiện 2 ca bệnh nhiễm Covid-19 là cha con ông Li Ding (63 tuổi) và Li ZiChao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc).
Là người đã có nhiều kinh nghiệm trước các bệnh nhiệt đới và trải qua nhiều "cuộc chiến" với nhiều dịch bệnh khác nhau, nhưng khi đối mặt với dịch Covid-19 chị cũng có những cảm xúc rất đời thường: “Mình cũng sợ…"
"Nhưng mình luôn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ".
Phải lao vào cuộc chiến với dịch Covid khi ngày tết đã cận kề người phụ nữ, người mẹ phải bỏ lại sau lưng tất cả: “Làm nghề y với công việc của một bác sĩ, chúng tôi có rất ít thời gian dành cho người thân, cho gia đình. Kỳ nghỉ tết là dịp quí giá nhất để về bên gia đình, được gặp bà con thân thiết và được thăm hỏi, chăm sóc cho nhau để gắn kết tình thân... Nhưng khi bắt đầu được điều động chống dịch, mọi kế hoạch đó buộc phải ngừng lại".
"Việc điều trị cho ca bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, cần thực hiện theo phương án hạn chế tối đa sự tiếp xúc của nhân viên y tế với người bệnh, mỗi tua trực khoa chỉ sắp xếp 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng. Tôi luôn sẵn sàng tâm lí để thay thế cho những đồng nghiệp có sẵn bệnh lí trong người vì không muốn các bạn vào khám cho bệnh nhân để phòng bất trắc", bác sĩ Anh Thơ kể lại.
Đối mặt với 2 ca bệnh đầu tiên, việc xác định nguồn lây, đường lây chưa chính thức, mọi thứ còn lạ lẫm với những nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong thời gian đầu khi mới tiếp xúc với ca bệnh, bản thân bác sĩ cũng phải tự cách li với gia đình của mình.
"Dù đã được phòng hộ kỹ lưỡng nhưng tôi vẫn có chút lo lắng, phải tự thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho gia đình. Có những hôm đi làm về, khi con chạy ra ôm dù rất muốn nhưng không dám hôn con hay trong khoa có những bạn nam vợ đang mang bầu thì sự lo lắng càng thấy rõ. Bản thân mình là những người đã xác định nhiệm vụ đương đầu với dịch bệnh, mình bệnh thì không sao nhưng nếu ba mẹ, chồng con nhiễm bệnh thì mình chẳng khác gì tội đồ”.
Đẩy lùi Covid-19
Đối mặt với Covid-19, bác sĩ Anh Thơ và đồng sự hiểu rằng họ đang đối mặt với tử thần. Thông tin về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới được truyền thông cập nhật hàng giờ, những ca bệnh tử vong tăng liên tục, thậm chí ngay cả lực lượng bác sĩ cũng có người nhiễm bệnh và chết...
Hơn ai hết, các bác sĩ hiểu rằng mình đang đối mặt với điều gì. Nhưng vì sự sống của người bệnh, với bản lĩnh và kinh nghiệm, bác sĩ Anh Thơ cùng các đồng nghiệp đã bình tĩnh vượt qua mọi khó khăn.
“Ông Li Ding vào viện với tình trạng rất nặng, ngoài bệnh lí, tôi hiểu rằng bệnh nhân rất lo lắng, căng thẳng và sợ", bác sĩ Anh Thơ nhớ lại "Đây là ca bệnh tính mạng bệnh nhân bị đe dọa, phổi bị virus tấn công tổn thương nặng trên cơ địa có nhiều bệnh lí nền. Chúng tôi phải nỗ lực, phải cố gắng hết sức để cứu bệnh nhân”.
Ngoài áp lực trong điều trị, các bác sĩ còn phải đối mặt với những áp lực, căng thẳng rất lớn từ cộng đồng khi mạng xã hội liên tiếp đưa những thông tin sai sự thật về người nhiễm bệnh, người tử vong ngay trong bệnh viện. Nếu để trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh tử vong xảy ra thật thì điều đó càng khiến cộng đồng hoang mang hơn, đẩy người dân đến cơn khủng hoảng niềm tin khó có thể phục hồi.
“Mỗi khi thăm khám, điều trị, tôi đều cố gắng thăm hỏi và giải thích chi tiết nhất về việc sử dụng thuốc, diễn tiến bệnh, động viên bệnh nhân an tâm, hợp tác điều trị. Sự phối hợp liên chuyên khoa trong điều trị cho bệnh nhân đã mang lại hiệu quả lớn hơn cả mong đợi khi người bệnh khỏi bệnh hoàn toàn, sức khỏe bình phục rất tốt", bác sĩ Anh Thơ nhớ lại.
Niềm vui vỡ òa
Ngày hai cha con ông Li Ding được ra viện có lẽ là một trong những ngày vui nhất trong cuộc đời mặc áo blouse trắng của các y bác sĩ trong BV Chợ Rẫy. “Gia đình tôi vô cùng biết ơn các y bác sĩ và sự nhân đạo của Chính phủ Việt Nam khi tận tình cứu chữa, giúp chúng tôi có ngày đoàn tụ. Bản thân tôi đã rất may mắn khi được phát hiện bệnh, điều trị tại Việt Nam”, bệnh nhân Li Ding chia sẻ.
Tròn 20 ngày kể từ khi có kết quả xét nghiệm xác định nhiễm virus corona/Covid-19, giờ đây ông Li Ding ra viện trong tình trạng khỏe khoắn. Người đàn ông này ngoài nhiễm corona còn mắc nhiều bệnh lí nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường đặc biệt là tiền sử từng phẫu thuật u phổi điều trị ung thư.
Trong khoảnh khắc nhận giấy ra viện, ông Li Ding xúc động: “Khi đến bệnh viện Chợ Rẫy, tôi đã kiệt sức, không thể tự đi lại được. Tôi đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất có thể xảy ra ở nơi cách rất xa quê nhà. Tôi hoang mang tột độ khi được bác sĩ thông báo nhiễm virus corona, căn bệnh đang bùng phát dữ dội tại thành phố tôi sinh sống. Khi biết con trai đã bị chính mình gây nhiễm cho căn bệnh nguy hiểm, tôi gần như suy sụp… mọi thứ như sụp đổ trước mặt tôi”.
“Hy vọng đã lóe lên khi vợ tôi may mắn không nhiễm bệnh và may mắn tiếp tục đến với chúng tôi khi được những y bác sĩ rất nhân từ, đức độ và giỏi chuyên môn của bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam chăm sóc. Mỗi ngày trôi qua, sức khỏe của tôi cùng con trai khá dần lên nhờ được y bác sĩ, nhân viên y tế không sợ hãi, không xa lánh mà chăm cho chúng tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, động viên gia đình tôi bằng chính tình người...”
Nhớ lại khoảnh khắc ấy, BS Anh Thơ vui mừng ứa nước mắt: "Đó không chỉ là niềm vui, chúng tôi còn được giải phóng khỏi những áp lực mình đã phải đối mặt".
Không chỉ cha con ông Li Ding thấy mình may mắn khi được cứu sống mà chính nữ bác sĩ cũng thấy mình may mắn vì không bị nhiễm bệnh, không phải chịu những áp lực kinh hoàng mà đồng nghiệp của chị tại tâm dịch Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc đang phải đối mặt.
Mai chị có về sau trận chiến vinh quang?(*)
Thương lắm đồng nghiệp tôi miệt mài trong tâm dịch
Chẳng kịp tội thân mình, chẳng kịp nghĩ xa xôi
Thương lắm những giọt mồ hôi trong lớp áo
Ai đã thử rồi… đã biết khổ cùng nhau
Ngày tết đã trôi mau, nỗi đau thì còn đó
Cuộc chiến vẫn xoay vòng mong mỗi sự bình an
Người người còn lầm than… sao lo riêng thân mình được nữa
Hôn con rồi đi với trái tim rực lửa
Mai chị có về sau trận chiến vinh quang?
BS Võ Ngọc Anh Thơ
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020