Khi sinh nhật lần thứ 60 tới gần, Kochouseph Chittilappilly thừa nhận cuộc sống đã "đối đãi" rất tốt với ông. Doanh nhân này đã xây dựng từ con số không một "đế chế" kinh doanh gồm mảng thiết bị điện tử và công viên giải trí. Hơn hết, Chittilappilly cảm thấy một sự thúc giục từ bên trong rằng ông "phải làm một điều gì đó lớn lao hơn trong đời".
Năm 2011, hai tháng sau khi tròn 60 tuổi, vị tỉ phú đến một bệnh viện ở Kochi, Ấn Độ. Tại đây, ông trải qua ca phẫu thuật cắt một bên thận dài 4 tiếng, không phải vì bệnh tật. Kochouseph Chittilappilly chấp nhận hiến thận cho một nhân viên lái xe tải mắc bệnh hiểm nghèo, một người hoàn toàn xa lạ với ông.
Tham vọng của Chittilappilly là một dự án trao đổi thận hoặc thứ mà ông hi vọng có thể trở thành mắt xích đầu tiên trong sợi dây kết nối những người hiến thận. Thành viên của gia đình bệnh nhân tiếp nhận thận (trong trường hợp này là vợ của bệnh nhân nhưng thận không phù hợp với người chồng) phải đồng ý hiến thận cho một người khác đang cần.
Kể từ thời điểm đó, Chittilappilly đã chuyển giao điều hành hai công ty niêm yết là V-Guard Industries (doanh thu: 320 triệu USD) và Wonderla Holidays (doanh thu: 38 triệu USD), cho hai con trai để dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động thiện nguyện. Năm 2012, ông sáng lập quĩ K. Chittilappilly Foundation, nơi ông đóng góp phần lớn thu nhập hàng năm của ông.
Năm 2018, Chittilappilly lần đầu xuất hiện trong danh sách Forbes' Billionaires vào năm 2018 với tài sản ròng 1,2 tỉ USD. Ông cam kết sẽ cho đi 1/3 khối tài sản, đồng thời chia sẻ cổ phần trong một số công ty mà ông nắm cho một tổ chức từ thiện đáng tin cậy.
Chittilappilly, không xuất hiện nhiều trên truyền thông cho tới khi ông hiến thận. Ông là người ủng hộ hoạt động hiến tạng lớn nhất tại quê nhà Kerala, Ấn Độ. "Ông Kochouseph đã thay đổi cách xã hội nhìn nhận việc hiến tạng. Nó tạo ra một sự thức tỉnh mới", C.J. George, người sáng lập và giám đốc điều hành công ty tài chính Geojit, nói.
Hiến tạng là một vấn đề nóng ở Ấn Độ. Theo ước tính của chính phủ, Ấn Độ có khoảng 200.000 ca bệnh cần ghép thận mỗi năm song chỉ có khoảng 7.500 người hiến. Khoảng cách giữa nguồn cung và nhu cầu khiến nhiều người nghèo nghĩ đến việc bán thận cho các bệnh nhân giàu có. Trong vài năm trở lại đây, hoạt động thương mại phi pháp bị vạch trần ở cả các bệnh viện nổi tiếng tại Mumbai và Delhi.
Một luật năm 1994 của Ấn Độ đã cấm mua bán nội tạng người nhưng vẫn có nhiều người tìm cách lách luật. Bên cạnh đó, quan điểm văn hóa tại Ấn Độ cũng cho rằng không nên hiến tạng sau khi một người qua đời. Với Chittilappilly, xóa bỏ những định kiến giúp tăng số lượng nguồn cung người hiến tạng.
Ngồi tại một chiếc bàn họp lớn trong văn phòng, Chittilappilly trông giống một nhà hoạt động xã hội hơn một doanh nhân thành công. Bên cạnh một bộ sưu tập cúp và danh hiệu của ông và công ty, một trích dẫn được đóng khung viết thông điệp "Tôi muốn phần còn lại của đời mình là phần tuyệt vời nhất."
Tổ chức của ông Chittilappilly thường tặng tiền (từ 1.400 USD đến 7.000 USD) cho các gia đình có người hiến tạng sau khi qua đời. "Vì an sinh xã hội ở Ấn Độ chưa tốt, nếu trụ cột các gia đình nghèo qua đời, họ thường trải qua nhiều khó khăn về tài chính", George Sleeba, giám đốc quỹ nói.
Tổ chức của Chittilappilly đang giúp trang trải chi phí cho khoảng hơn 3.000 bệnh nhân lọc máu nghèo và đang dự tính mở rộng phạm vi sang các bệnh khác. Khi Kerala chịu ảnh hưởng nặng nền từ thiên tai, Chittilappilly cũng thực hiện chi 700.000 USD để hỗ trợ khẩn cấp.
Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, Chittilappilly lớn lên giữa những cánh đồng ở gần Guruvayur. Chittilappilly ước mơ trở thành một nhà khoa học. Gia đình ông khá giàu có và rộng lượng. Bố mẹ Chittilappilly từng trả học phí cho những đứa trẻ không có điều kiện. Sau khi tốt nghiệp ngành vật lý và điện tử, Chittilappilly gia nhập một công ty nhỏ sản xuất ổn áp, một sản phẩm rất quan trọng ở Ấn Độ do nguồn điện không ổn định.
Dù vậy, công ty này không hoạt động tốt vì vấn đề tài chính. Tự tin bản thân có thể đưa ra các sản phẩm tốt hơn, Chittilappilly muốn mở công ty riêng nhưng không có ngân hàng nào sẵn sàng tài trợ. "Tỉ lệ thất bại khi khởi nghiệp ở Kerala rất cao" ông nhớ lại. Năm 1977, ông mượn số tiền gần 1.400 USD từ cha và mở một công xưởng nhỏ chỉ với hai nhân công.
Nhân lực là một rắc rối trong những ngày đầu và Chittilappilly đã phải tự mình xếp hàng lên xe tải. Chittilappilly cũng nghĩ đến việc thuê ngoài việc sản xuất cho một nhóm lao động nữ đã được ông đào tạo để đảm bảo chất lượng. Dần dần, V-Guard có thêm nhiều sản phẩm mới, bên cạnh ổn áp, như bơm, bình nước nóng và thiết bị nhà bếp.
Chittilappilly tiếp tục nghĩ đến ý tưởng Kerala có thể có một công viên giải trí nhưng vấp phải sự nghi ngờ từ ngân hàng. Dù vậy, sau khi mở công viên đầu tiên ở Kochi năm 2000, Chittilappilly đã có thêm nhiều công việc khác ở Bangalore, Hyderabad và Chennai.
Chittilappilly thừa nhận thôi thúc làm từ thiện đến với ông muộn. "Ba ưu tiên hàng đầu của tôi từng là kinh doanh, kinh doanh và kinh doanh", ông thừa nhận. Nhưng với cả hai công ty đều niêm yết thành công, Chittilappilly đã có mục tiêu mới. Được gia đình động viên, ông đã mua đất để xây dựng mái ấm an dưỡng cho những người phụ nữ nghèo trong làng cùng với đó là nhà trọ cho những cô gái nông thôn nghèo.
Ý tưởng hiến thận nhen nhóm trong Chittilappilly khi một người họ hàng xa qua đời vì bệnh thận. Khi chia sẻ với gia đình, "chúng tôi đều nghĩ ông nói đùa", Mithun, con trai Chittilappilly, chia sẻ. Trong khi đó, vợ Chittilappilly cố gắng thuyết phục ông từ bỏ ý tưởng vì quá rủi ro và gợi ý ông có thể quyên góp tiền.
Trong hồi kí của mình, Chittilappilly giải thích từ thiện thực tế không phải là cho tiền hay cho đi vật chất mà là "cho đi những gì của mình". Ông nói đùa với người thân rằng mình chỉ đang cho đi một quả thận cũ và tự tin rằng rủi ro là rất nhỏ: "Tôi có những bác sĩ tốt nhất. Triết lí của tôi là, tôi không thể leo núi Everest nhưng tôi làm được điều này".
Sau nhiều bài kiểm tra thể chất, Chittilappilly đi tìm người nhận thận phù hợp. Ông liên hệ với Davis Chiramel, người sáng lập Tổ chức Kidney Federation ở Ấn Độ.
Chiramel nhớ lại rằng ông cảm thấy bất ngờ khi một doanh nhân như Chittilappilly lại quyết định hiến thận và muốn gặp gia đình ông. Sau khi mọi việc thỏa mãn, ông liên hệ với tài xế xe tải đang cần ghép thận.
Theo luật Ấn Độ, người hiến tạng phải là "họ hàng gần". Do không có quan hệ với người nhận, Chittilappilly phải thực hiện rất nhiều các thủ tục pháp lí trước khi được chấp thuận hiến tạng. "Cảnh sát đến tận nhà để kiểm tra xem tôi có nhận tiền để hiến thận không", ông cười và nhớ lại.
Trước ca phẫu thuật, nhiều tin đồn nói Chittilappilly chỉ đang muốn thu hút sự chú ý và sẽ không thực hiện hiến tạng. Hai tuần sau khi ra viện, Chittilappilly trở lại làm việc. Ông khẳng định vẫn đang sống tốt mà không gặp khó khăn gì.
Chiramel đến từ Kidney Federation nói hành động của Chittilappilly mang lại tác động lớn. Hàng trăm người đã đăng kí hiến tạng và còn nhiều người hơn nữa cam kết sẽ hiến tạng khi họ qua đời. Kidney Federation hiện có hơn một triệu hồ sơ đăng kí.
Chittilappilly ngạc nhiên vì những hiệu ứng truyền thông ông đón nhận. Trên sân khấu các buổi diễn thuyết, Chittilappilly nói: "Thành thật mà nói, với tôi, không có gì to tát cả. Tất cả những gì bạn cần là một chút can đảm".