Từ mục tiêu bắt đầu như một "thử nghiệm công nghệ" với bitcoin (BTC) hơn 1 thập kỷ trước, ngành tài sản tiền điện tử đã trở thành một động lực quan trọng cho sự thay đổi trên thị trường tài chính toàn cầu, theo Cointelegraph.
Trao đổi tiền điện tử bắt đầu như một phương tiện cho phép những người đam mê tiền điện tử giao dịch bên ngoài hệ thống tài chính truyền thống trên cơ sở phân quyền và phần lớn tự trị.
Khi tiền điện tử được công nhận nhiều hơn và cơ sở hạ tầng thị trường kĩ thuật số cũng phát triển thì nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang hoàn thiện các qui định về chống rửa tiền, đầu tư vào hệ thống bảo vệ an ninh và công nhận các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Những điều đó đều tạo động lực để thúc đẩy các nền tảng tiền điện tử tiếp tục mở rộng và có khả năng hợp nhất hoặc cạnh tranh với nhau.
Sự thành công của các nền tảng tiền điện tử trong việc cho phép dòng chảy giá trị tự do xuyên biên giới không bị kiểm soát đã dẫn đến sự quan tâm của các chính phủ và các cơ quan quản lí. Sự hoài nghi ban đầu được thay thế bằng lo ngại về những điểm yếu liên quan đến gian lận, lừa đảo và các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư.
Khi các sàn giao dịch tiền điện tử đã cải thiện hệ thống của họ để đáp ứng các yêu cầu về an toàn trong giao dịch thì nhiều người thừa nhận rằng tiền điện tử phần nào mang lại sự hiện đại hóa và dân chủ hóa rất cần thiết cho thị trường tài sản kĩ thuật số.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch tiền điện tử đã cung cấp quyền truy cập toàn cầu, 24/7 đến các địa điểm giao dịch với những người tham gia đủ điều kiện từ mọi tầng lớp xã hội. Nhà đầu tư cũng có thể tham gia trực tiếp thông qua việc truy cập các công cụ và đồ họa giao dịch trực tuyến – những hình thức mà trước đây hầu như chỉ dành cho một số ít các nhà đầu tư lớn.
Một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất đang tìm cách xin giấy phép quản lí trên toàn thế giới. Mục đích của họ là để có thể cạnh tranh trực tiếp với các tổ chức tài chính đương nhiệm, thích ứng với nhu cầu của người dùng đối với các dịch vụ phức tạp hơn và nâng cao uy tín trên thị trường.
Ví dụ, vào tháng 3/2018, sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Mỹ Coinbase đã nhận được giấy phép tiền điện tử từ FCA của Vương quốc Anh, cũng như từ Ngân hàng Trung ương Ireland vào năm 2019, cho phép nó phát hành tiền điện tử và cung cấp dịch vụ thanh toán.
Với quan điểm nâng cao tính toàn vẹn của thị trường và niềm tin của nhà đầu tư, Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra đề xuất vào ngày 23/9/2020 về việc triển khai qui định chính thức về thị trường tài sản tiền điện tử, hay còn gọi là MiCA. Dự thảo qui định nắm bắt các tài sản tiền điện tử như "mã thông báo tham chiếu tài sản" (thường được gọi là "stablecoin") cũng như "mã thông báo tiện ích".
Theo dự thảo của MiCA, các sàn giao dịch tiền điện tử hoạt động ở EU bắt buộc phải xin phép theo qui định và phải tuân theo các yêu cầu nghiêm ngặt về hành vi và an toàn. Đối với nhiều người, quá trình áp đặt các yêu cầu pháp lí đối với lĩnh vực tài sản tiền điện tử thuần túy có thể cản trở sự đổi mới và tạo ra rào cản gia nhập cho các công ti nhỏ hơn. Tuy nhiên, đây là cách tiếp cận khả dĩ nhất để thiết lập một thị trường lâu dài và khả thi.
Trong tương lai, sự đổi mới, dân chủ hóa và mở rộng quyền truy cập do các sàn giao dịch tiền điện tử mang lại cũng như sự công nhận về qui định tài chính được cải thiện đối với các dịch vụ sẽ được kết hợp với số hóa chứng khoán tài sản truyền thống và phát triển cơ sở hạ tầng thị trường dành riêng cho giao dịch kĩ thuật số.
Điều này có khả năng dẫn đến một động lực mạnh mẽ cho sự kết hợp và sát nhập giữa các sàn giao dịch tiền điện tử đang phát triển nhanh chóng và các tổ chức đương nhiệm.