Được tự do hoá từ năm 1993, thị trường chè Maroc đã trở nên hết sức cạnh tranh với việc xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ và sự đa dạng các nhãn mác, Thương vụ Việt Nam tại Maroc cho biết.
Trong số 50 nhà nhập khẩu thì công ty Mido Food Company chiếm thị phần lớn nhất (60%) và có khả năng chi phối thị trường chè Maroc.
Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất chè cho thị trường Maroc chiếm 98% lượng chè nhập khẩu của nước này.
Một số loại chè nhập khẩu vào Maroc như:
Chè Gunpowder (chè thuốc súng): Lá chè cuộn lại có dạng hạt tròn, 3mm. Khi pha, chè sẽ nở ra. Đây là loại chè có nước màu xanh nhạt hoặc vàng xanh và vị rất đậm. Chè này chủ yếu dùng để pha chè bạc hà, đồ uống quốc gia của Maroc.
Người Maroc uống chè bạc hà cả ngày. Sở dĩ nó có tên là chè thuốc súng vì một công ty của Ấn Độ gọi như vậy vì giống bột thuốc súng.
Người Trung Quốc thì gọi là chè hạt cườm. Chè này sau khi pha vừa có vị mát vừa có vị đắng.
Chè Chun Mee: có dạng tóc tiên thần, lá cuộn không đều, dài hơn. Chun Mee ở Thượng Hải do lá to có màu nâu, vị và hương đặc biệt. Chè này được bán tại Maroc với số hiệu 9371.
Chè Sow Mee: có dạng những đoạn nhỏ và gãy.
Trong baloại chè trên, Gun powder được tiêu thụ mạnh nhất.
Chè xanh của Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Maroc nhưng số lượng không nhiều.
Khó khăn lớn nhất là chè Trung Quốc đã chiếm lĩnh từ lâu và người dân địa phương đã quen với hình thức và gu của chè này, giá bán lại thấp hơn của ta. Hiện nay Maroc nhập đến 98% chè xanh từ Trung Quốc (chủ yếu ba loại chè nêu trên).
Người Maroc rất chú trọng đến hình thức của chè.
Theo đánh giá của khách hàng Maroc, chè Việt Nam có chất lượng tốt nhưng chưa cạnh tranh về giá cả và hình thức trình bày sản phẩm.
Với nhu cầu tiêu thụ lớn, Maroc có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho mặt hàng chè xuất khẩu của Việt Nam.