Tiến độ CCN Tam Linh tại Thanh Hoá sau hơn một năm đổi chủ

Năm 2022, Thanh Hoá đã chấm dứt dự án CCN Tam Linh đối với BNB Hà Nội và chấp thuận nhà đầu tư mới là Hà Thanh Nga Sơn. Dự kiến quý IV năm nay, dự án này sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành.

CTCP Đầu tư Hà Thanh Nga Sơn vừa công bố báo cáo liên quan đến dự án Cụm công nghiệp Tam Linh tại huyện Nga Sơn, Thanh Hoá. Dự án này được UBND tỉnh Thanh Hoá thành lập vào tháng 12/2022 và duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 vào tháng 3/2023. 

CCN Tam Linh có tổng diện tích 35,4 ha, nằm tại vị trí phía tây nam của thị trấn Nga Sơn, cách quốc lộ 10 khoảng 1,2 km về phía tây và nằm trên địa giới hành chính xã Nga Văn, thị trấn Nga Sơn. Vị trí này cách ranh giới huyện Kim Sơn, Ninh Bình hơn 10 km (đi theo quốc lộ 10); cách quốc lộ 1A khoảng 15 km.

Dự án được chia thành hai phân khu. Khu A có diện tích 28,5 ha. Phía bắc giáp ĐT.508; phía nam giáp đất nông nghiệp (quy hoạch là đất dự trữ công nghiệp); phía đông giáp đường giao thông liên xã (cách khu dân cư hiện trạng khoảng 40 m); phía tây giáp đường bê tông nội đồng.

Còn khu B có diện tích khoảng 6,9 ha. Phía bắc giáp đất sản xuất nông nghiệp; phía nam giáp ĐT.508; phía đông giáp Công ty TNHH Winners Vina; phía tây giáp đường nhựa khu dân cư Tây Vina.

Phạm vi CCN Tam Linh nhìn trên bản đồ. (Ảnh: Chủ đầu tư).

Về hiện trạng, khu đất thực hiện dự án thuộc vùng đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hóa với địa hình khá bằng phẳng và cao độ tự nhiên trong khoảng 2,3 - 3,8 m. Chiếm chủ yếu diện tích đất dự án hiện nay là 25,3 ha đất trồng lúa năng suất thấp (thuộc diện chuyển đổi); có khoảng 0,3 ha đất dân cư hiện trạng và còn lại là đất mặt nước, nghĩa trang, giao thông, chợ...

CCN Tam Linh sẽ có trục đường xuyên tâm là ĐT.508, đồng thời là tuyến giao thông đối ngoại. Khu vực này còn có tuyến đường giao thông liên xã Nga Mỹ đi Nga Nhân và hệ thống giao thông nội đồng rộng 3 - 5 m.

Trong giai đoạn xây dựng hạ tầng, các tuyến đường giao thông nội đồng trên khu đất sẽ được phá dỡ, san lấp  hoặc mở rộng thành tuyến đường nội bộ của dự án. Các tuyến ĐT.508 và đường dân sinh sẽ giữ nguyên. Tuyến đường nội đồng chạy song song với đường ra nghĩa trang Mã Song sẽ được xây dựng bồi hoàn để đảm bảo đi lại của người dân.

Khu đất dự kiến thực hiện dự án trải dài trên địa bàn xã Nga Văn và thị trấn Nga Sơn, hiện không có khu dân cư sinh sống mà chỉ có một số công trình nhà tạm của người dân để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Xung quanh vị trí thực hiện dự án có một số khu dân cư. Giai đoạn giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến 344 hộ dân, trong đó 8 hộ có nhà tạm trên khu đất.

Về tính chất, đây là cụm công nghiệp với các chức năng, ngành nghề công nghiệp chủ yếu gồm: Sản xuất đồ nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường; sản xuất linh kiện phục vụ công nghiệp lắp ráp, phụ tùng điện, điện tử; sản xuất thiết bị cơ khí...

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 26,7 ha đất công nghiệp; 10,2 ha đất cây xanh; 10,3 ha đất giao thông và còn lại là đất hành chính, dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật. Toàn dự án sẽ có 6 lô đất công nghiệp với mật độ xây dựng tối đa 75,6%; chiều cao 1 -3 tầng; hệ số sử dụng đất 1,5 lần (đối với đất thương mại - dịch vụ) và 1,8 lần đối với đất nhà máy. 

Lô đất hành chính – dịch vụ được bố trí ở vị trí phía đông khu đất, giáp ĐT.508 với mật độ xây dựng 50%, tầng cao công trình 1 - 3 tầng, hệ số sử dụng đất 1,5 lần.

Về tiến độ, dự kiến cụm công nghiệp sẽ được GPMB trong 5 tháng và thi công trong 9 tháng, hoàn thành thi công xây dựng trong quý IV năm nay (có thể vận hành từ tháng 10/2024). Tổng mức đầu tư sau thuế của dự án là 250 tỷ đồng, trong đó chi phí mặt bằng chiếm khoảng 41 tỷ đồng, chi phí xây dựng 114,5 tỷ đồng... 

Một góc huyện Nga Sơn. (Ảnh: Báo Xây dựng).

Dự án cũ của BNB Hà Nội 

Về chủ đầu tư, Hà Thanh Nga Sơn tiền thân là Công ty TNHH FDI Nga Sơn được thành lập vào tháng 8/2022, có trụ sở tại Nga Sơn, Thanh Hoá. Tháng 3/2023, doanh nghiệp đổi tên như hiện nay. Chủ tịch HĐQT của Hà Thanh Nga Sơn là ông Nguyễn Quyết Thắng.

Theo tìm hiểu của người viết, CCN Tam Linh được thành lập lần đầu vào tháng 4/2018 với diện tích 39,7 ha, chủ đầu tư là BNB Hà Nội.

Tháng 3/2019 duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 lần đầu và tháng 6/2022 được duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đến tháng 7/2022, Thanh Hoá đã có văn bản chấm dứt dự án và tháng 12 cùng năm chấp thuận dự án cho Hà Thanh Nga Sơn.

Trong liên danh nhà đầu tư cũ có sự xuất hiện của BNB Hà Nội, một doanh nghiệp chuyên đầu tư bất động sản công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại... BNB Hà Nội hiện có vốn điều lệ 690 tỷ đồng, trụ sở đặt tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trên thị trường bất động sản, BNB được biết đến với loạt dự án ở Thanh Hóa như cụm công nghiệp Hòa Lộc (22 ha, huyện Hậu Lộc); cụm công nghiệp Tam Linh (hơn 64 ha, huyện Nga Sơn); cụm công nghiệp Vĩnh Minh (54 ha, huyện Vĩnh Lộc); Khu đô thị A-TM3 (4,5 ha, TP Thanh Hóa); Khu dân cư Đông Nam đô thị Đông Phát (18,6 ha, TP Thanh Hóa); khu dân cư Phú Quý (7,2 ha, Hoằng Hóa); khu dân cư Hồ Trưng Phát (12,6 ha, Hậu Lộc); khu đô thị Nam Ngạn (TP Thanh Hóa).

chọn
Bất động sản tuần qua (5/5 - 11/5): Đề xuất nhiều thay đổi về sổ đỏ, nhóm Xuân Cầu trúng dự án 5.500 tỷ ở Hoà Bình
Có thể đưa mã QR vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Samsung muốn đầu tư thêm 1 tỷ USD/năm vào Việt Nam; Sơn La công bố 9 dự án được phép mở bán... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.