Quỹ đất công nghiệp của Vinaconex

Vinaconex hiện đang là chủ đầu tư của 3 dự án bất động sản công nghiệp tại Hà Nội với tổng diện tích khoảng 560 ha, tổng vốn gần 8.700 tỷ đồng. Các dự án này đều có kế hoạch triển khai từ 2024 và những năm tới.

Một góc khu công nghệ cao Hoà Lạc hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội. Dự án nằm tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh.

Chủ đầu tư của KCN Đông Anh là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) với tổng vốn 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư chiếm 1.268 tỷ đồng.

KCN Đông Anh rộng 299,45 ha, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là 179,1 ha và giai đoạn 2 là 120,35 ha. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.

Đây không phải dự án công nghiệp duy nhất của Vinaconex. Hiện nay đang là chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN công nghệ cao 2 - Khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Dự án này thuộc phân khu chức năng số 4 - Khu công nghệ cao Hoà Lạc, được hình thành trên cơ sở sáp nhập KCN Bắc Phú Cát do Vinaconex làm Chủ đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và theo quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 Khu công nghệ cao Hòa Lạc được phê duyệt năm 2008.

Trước thời điểm sáp nhập, Vinaconex đã cho 5 nhà đầu tư thuê lại đất với tổng diện tích 18,6 ha. Ngay sau khi có quyết định sáp nhập, Vinaconex đã thực hiện quyết toán dự án KCN Bắc Phú Cát theo quy định và được Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoàn trả kinh phí GPMB và chi phí đầu tư vào dự án.

Ngày 26/12/2012, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số cho Vinaconex thực hiện đầu tư KCN công nghệ cao 2. Đến năm 2014, Vinaconex đã được cho thuê 207,8 ha đất để thực hiện dự án, doanh nghiệp sau đó đã chủ động thi công hạ tầng.

Đến nay, KCN công nghệ cao 2 đã có 12 nhà đầu tư thứ phát thuê hạ tầng với tổng diện tích thuê là 58,48 ha/187,63 ha, chiếm 31,1% diện tích có thể cho thuê. Tuy nhiên, hiện nay, phần hạ tầng kỹ thuật dự án vẫn chưa hoàn thiện, các hạng mục đầu tư bằng vốn ngân sách chưa được bố trí vốn dẫn đến chưa đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.

Do đó, Vinaconex đang triển khai thi công thi công các hạng mục như 14 km đường giao thông và 56 km hệ thống cấp thoát nước... thuộc dự án KCN công nghệ cao 2 với tổng mức đầu tư 938 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường là hơn 6 tỷ đồng, dự kiện sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ quý IV/2024.

Còn tại xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu Tư (Vinaconex Invest) - công ty con Vinaconex nắm 100% vốn, hiện đang đầu tư dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông 72,5 ha.

CCN Sơn Đông giáp kênh xả tràn hồ Đồng Mô ở phía bắc; phía nam giáp sông Cầu Quả; phía tây giáp xã Kim Sơn và phía đông giáp quốc lộ 21. Bán kính 8 km xung quanh dự án có ĐT420, ĐT87A, ĐT82 và ĐT416. Xung quanh khu vực dự án có hồ Đồng Mô, hồ Ngai Sơn, hồ Kim Sơn, một số ao hồ tự nhiên và các khu dân cư. Vị trí này cách UBND xã Sơn Đông 1,5 km về phía đông nam.

Về hiện trạng, phần lớn diện tích trong khu vực quy hoạch dự án là đất canh tác nông nghiệp, trồng lúa (48 ha); có 11,6 ha đất thuộc nhà máy bê tông Sơn Tây hiện hữu; khoảng 2,8 ha đất ở dân cư; gần 8 ha đất mặt nước... Trong khu đất dự án có khoảng hơn 10 hộ dân với các công trình nhà ở. 

Trong cơ cấu sử dụng đất của CCN Sơn Đông, đất hành chính dịch vụ chiếm hơn 2,5 ha; đất nhà máy, kho tàng chiếm 50,75 ha. Trong đó, khu trung tâm và điều hành dịch vụ có mật độ xây dựng tối đa 70%, cao tối đa 5 tầng. Khu nhà máy, kho tàng cũng có chỉ tiêu tương tự, bao gồm cả lô đất thuộc nhà máy bê tông Sơn Tây đã đi vào hoạt động.

Trong một báo cáo vừa công bố, Vinaconex Invest cho biết, CCN Sơn Đông có tổng mức đầu tư 1.414 tỷ đồng. Dự kiến từ quý III năm nay bắt đầu san nền, xây dựng các hạng mục và hoàn thành vào quý IV/2026.

Một dự án của Vinaconex ở Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Vinaconex khó có doanh thu bất động sản trong 2024?

Vinaconex tiền thân là một Tổng công ty Nhà nước thành lập từ 1988, năm 2006 doanh nghiệp này đã cổ phần hoá và niêm yết vào năm 2008. Từ 2018, Vinaconex không còn cổ phần của Nhà nước. Đến 2020, doanh nghiệp chuyển sàn niêm yết trên HOSE.

Các mảng hoạt động chính của Vinaconex là kinh doanh bất động sản, thi công xây lắp các công trình dân dụng, đầu tư kinh doanh hạ tầng dịch vụ khu công nghiệp...

Theo báo cáo hợp nhất, doanh thu năm 2024 của Vinaconex đạt 12.704 tỷ đồng, tăng mạnh so với 8.452 tỷ đồng doanh thu của năm ngoái, trong đó mảng bất động sản chiếm 2.315 tỷ đồng, cao gấp 11 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 336 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2023, tiền và tương đương tiền của Vinaconex là 2.282 tỷ đồng, tăng 572 tỷ đồng so với đầu kỳ, lợi nhuận chưa phân phối còn 1.563 tỷ đồng. Hàng tồn kho cuối kỳ 6.328 tỷ đồng, giảm hơn 787 tỷ đồng so với đầu năm.

Vinaconex không tiết lộ chi tiết về nguồn  doanh thu bất động sản năm 2023, song theo Chứng khoán Mirae Asset, doanh thu này có thể đến từ việc bàn giao dự án Green Diamond và 99 biệt thự ở dự án Cát Bà Amatina. 

Cũng theo đơn vị chứng khoán, mảng bất động sản của Vinaconex hầu như sẽ không có nguồn thu nhập trong năm 2024 do việc phát triển các dự án tiềm năng còn chậm.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến bắt đầu có doanh thu hàng nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.