Cảnh tượng người dân vác từng bao tải tiền mặt vào ngân hàng rất quen thuộc tại Myanmar. Vào tới nơi, họ sẽ đổ tiền ra, nhân viên ngân hàng phải đếm và kiểm tra từng tờ với mệnh giá khác nhau, số tiền có thể lên tới 250 triệu kyat (gần 185.000 USD), theo Channel News Asia.
Tờ có mệnh giá lớn nhất là 10.000 kyat (7,3 USD). Ông David Wang, phó giám đốc ngân hàng AYA cho biết "tiền mặt là vua" ở Myanmar, nơi "người dân luôn sử dụng tiền mặt cho các giao dịch lớn như mua nhà hay mua xe".
Máy rút tiền (ATM) không phổ biến. Thẻ tín dụng chỉ được người có thu nhập cao hoặc khá sử dụng.
"Myanmar là xã hội tiền mặt. Một trong những thách thức lớn là ở đây không có trung tâm thông tin tín dụng. Vì thế rất khó để thu thập thông tin về khả năng thanh toán của khách hàng", ông đánh giá.
Trong khi chính phủ đang cố thúc đẩy giao dịch không sử dụng tiền mặt bằng cách chuẩn bị thiết lập một trung tâm thông tin tín dụng, thì hiện tại người dân vẫn giao dịch bằng tiền mặt là chính.
Tiền xếp cao bằng đầu người trong một ngân hàng ở Myanmar. Ảnh: Pathfinder |
Ông Wang có những khách hàng, đặc biệt là người làm kinh doanh, gửi tới 10 tỷ kyat (7,4 triệu USD) tiền mặt vào tài khoản. Ông cho biết lượng tiền mặt dự trữ trong các ngân hàng ở Myamnar từ 5-10%, gấp nhiều lần các ngân hàng ở Singapore, nơi lượng tiền chưa đầy 1%.
Lượng người sử dụng điện thoại di động ở Myanmar đã tăng từ 15% lên 80% trong ba năm. Một số ý kiến cho rằng phát triển ngân hàng điện tử có lẽ là giải pháp phù hợp trong khi chờ trung tâm thông tin tín dụng thành lập, vì ngân hàng điện tử chỉ cần kết nối Internet là có thể sử dụng để thanh toán thay thế tiền mặt.
"Ngân hàng điện tử có rất nhiều cơ hội phát triển. Có điều, loại hình thanh toán này vẫn đang trong giai đoạn phôi thai với nhiều thách thức tồn tại. Nó cũng phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của đất nước nữa", ông Wang nhận định.
Vén màn bí mật nhà thổ Trung Quốc giáp biên Myanmar | |
Nghề khai thác đá quý bất chấp hiểm nguy ở Myanmar |