Chỉ cần dừng xe hoặc chống chân là có thể thực hiện bán, mua ở vỉa hè, thậm chí ngay dưới lòng đường |
Tầng 1, dưới căn phòng của tôi, bên cạnh là một hàng bún. Nhiều hôm ngại leo cầu thang vì thời tiết nóng bức, hoặc có mưa, tôi chỉ việc bỏ tiền vào cái rổ nhựa, thả dây xuống, rồi kéo bát bún lên, có thể cả ngày không cần ra khỏi nhà. Khoe cái sự tiện đó cho đồng nghiệp, chả ai ngạc nhiên. Thậm chí có nữ đồng nghiệp bảo: Hồi còn đi học, tớ với người yêu tớ ở trong phòng cả tuần đầu của kỳ nghỉ hè, cứ đến bữa mới thò đầu ra cửa sổ để vận thăng đồ ăn.
Ở Hà Nội quen, đi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rõ nhất là không đâu sống tiện như thành phố của mình. Những nhu cầu cá nhân tối thiểu đều có thể đáp ứng dễ dàng trong phạm vi khoảng một ngã tư. Mọi thứ đều có trên vỉa hè và chỉ cần dừng xe hạ kính, hoặc chống chân là có thể thực hiện một giao dịch bán, mua.
Người Hà Nội và rộng ra là người Việt luôn lấy cái sự tiện làm đầu. Mà đặc biệt phải tiện việc đi lại, bán mua. Vậy nên có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Đến tao nhân mặc khách như ông Tản Đà, dù muốn ăn rau sắng chùa Hương nhưng “Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa”. Cái sự ngại, ưa tiện đó trong tính cách dân tộc đã hình thành nên nền kinh tế vỉa hè.
Nền kinh tế vỉa hè khiến cho người ta bám rễ trong những khu phố chật chội, thiếu thốn tiện nghi, mưu sinh bằng mặt phố, bằng vỉa hè. Đó là một sự lựa chọn dễ dàng trong một xã hội lấy sự tiện làm đầu, đến nỗi một tiểu thương “mua đầu chợ, bán cuối chợ” là có thể đã có lãi.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến |
Thành phố có 7, 8 triệu dân nhưng bao nhiêu năm không thể phát triển được phương tiện công cộng cũng vì cái sự tiện. Cái xe điện dẫu đã trở thành một biểu tượng thân thương cũng nhanh chóng bị xóa bỏ ngay khi việc sở hữu một cái xe đạp không còn phải chờ đợi sự phân phối. Rồi khi xe máy phổ biến hơn, người ta thà chen chúc lái xe trên những con đường bụi bặm, ô nhiễm còn hơn phải đi bộ ra bến xe buýt. Khi mà đường phố Hà Nội chưa kịp quá tải và dễ dàng phát triển xe buýt, cũng không nhiều doanh nghiệp mặn mà bởi sợ chẳng ai đi.
Bởi cái sự tiện của mình mà người ta dễ dàng chấp nhận những con đường không còn vỉa hè. Người ta cũng chấp nhận hàng nghìn điểm trông giữ xe được cấp phép trên những con đường ở trung tâm thành phố, chấp nhận 1/3 lòng đường bị chiếm dụng để có chỗ đỗ xe trong khi phải chấp nhận ùn tắc trên chính những con phố đó.
Thị dân Hà Nội đã có những khoảnh khắc được tự hào vì cuộc sống tiện lợi nhất thế giới của mình, dễ chịu với sự tiện lợi đó mà quên mất cảm giác đến một ngày chính sự tiện lợi đó khiến cho cuộc sống của họ chìm trong bi kịch tắc đường đi xe, không có chỗ đi bộ. Thỏa mãn với sự tiện lợi, những thị dân Hà Nội dần biến thành tiện nhân, giống như con ếch thư giãn với làn nước ấm trong nồi đang từ từ nóng lên, rồi chỉ kịp nhận ra số phận của mình khi đã bị luộc chín.
Hà Nội, với quy mô dân số và tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân không thể kiểm soát như hiện nay, đã đến lúc cần phải thay đổi. Không chỉ bằng chính sách, mà trước hết cần có sự thay đổi ở chính thái độ sống của thị dân. Đã đến lúc không thể tiếp tục là tiện nhân thành phố.