Nhà xã hội học Rachel Sherman - tác giả cuốn sách "Uneasy Street: The Anxieties of Affluence" đã phỏng vấn 50 nhà giàu ở New York (Mỹ) có thu nhập ít nhất 250.000 USD/năm để xem cuộc sống của họ như thế nào.
Không bao giờ lộ giá tiền đã mua
Qua các cuộc trò chuyện, Sherman nhận thấy, nhiều người giàu có luôn xé mảnh giấy ghi giá tiền đính trên sản phẩm để người giúp việc hoặc những người xung quanh không biết số tiền họ đã chi ra để mua.
Theo lời Sherman, một người phụ nữ thu nhập 250000 USD/năm và được thừa kế hàng triệu USD vẫn luôn giữ thói quen xé mảnh giấy ghi giá tiền đính trên quần áo hay chiếc bánh mỳ 6USD. Cho nên, người giúp việc của cô không bao giờ biết được mức giá cụ thể của các sản phẩm.
Việc làm này được giải thích là không muốn cảm thấy không thoải mái khi người giúp việc nhập cư biết được mức giá thật sự, một phần do khoảng cách thu nhập, chênh lệch về mức sống.
Sherman kể: "Một nhà thiết kế nội thất còn cho biết, các khách hàng giàu có cũng thường giấu diếm giá cả của sản phẩm họ mua. Đồ nội thất đắt tiền hoặc các mặt hàng khác đưa đến tận nhà phải bóc mảnh giấy ghi giá hoặc lấy bút lông ghi đè lên. Cho nên quản gia hay nhân viên của họ không hề biết giá bao nhiêu".
Thói quen này cho thấy, những người giàu muốn coi họ là bình thường và không hề muốn không thấy thoải mái khi chi tiêu như vậy.
Hay một một cặp vợ chồng gom góp được 50 triệu USD nhờ công việc trong ngành tài chính. Họ đã trích 10 triệu USD mua căn nhà để ở nhưng không bao giờ khoe khoang hay kể với ai về số tiền này. Trong quá trình trò chuyện và phỏng vấn, Sherman là người đầu tiên biết số tiền họ có và đã chi tiêu.
Còn một người khác đã bỏ ra một số tiền lớn mua căn penthouse sang chảnh. Nhưng lại không muốn lộ bản thân ở căn áp mái nên yêu cầu bưu điện sửa địa chỉ thành số tầng cụ thể trong tòa nhà. Bởi chủ nhân căn penthouse cho rằng sợ mọi người nghĩ là khoe khoang và thượng lưu.
Không khoe giàu nhưng thích khoe mua được đồ giá rẻ
Hay như cô Talia (Mỹ) có chồng làm nhân viên ngành tài chính thu nhập 500.000 USD. Nhưng khi trò chuyện với Sherman, Talia lại tỏ ra là cuộc sống "khá bình thường".
Theo lời Talia, gia đình cô ăn tối ở nhà. Sau khi ăn xong, hai vợ chồng tắm cho con rồi đọc truyện. Hàng ngày cô vẫn đi bộ cùng con tới trường và coi đó là niềm vui.
Hàng chục cuộc trò chuyện với những người giàu có cho nhà xã hội học Sherman nhận ra nhiều điều. Những người mà chuyên gia này tiếp xúc đều thuộc nhóm 1-2% số người giàu có nhờ của cải hoặc thừa kế ở Mỹ.
Tuy nhiên, những người giàu có này không bao giờ nói về giá của những món đồ đắt tiền đã mua. Thay vào đó, họ thích kể mua được chiếc xe đẩy giá rẻ, mua quần áo ở siêu thị và lái xe cũ. Thậm chí, họ còn chỉ trích những người giàu có khoe khoang thích thuê các khu nghỉ mát đắt đỏ kèm người xoa bóp chân.
Theo Sherman, những người giàu có này không bao giờ nói mình "giàu" hay là người "thượng lưu" mà lại thích "thoải mái" hoặc "may mắn". Một số còn tự xếp bản thân vào tầng lớp trung lưu, tự so sánh mình với những người giàu nổi bật ở New York chứ không phải so với những người ít tiền hơn.